70% vị thuốc Đông y có gừng
Dược sĩ cao cấp Trần Xuân Thuyết, nguyên cán bộ Công ty Dược phẩm Trung ương 1, cho biết gừng là loại cây gia vị được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản là những nước trồng nhiều gừng nhất thế giới.
Khoảng 70% vị thuốc trong Đông y có vị gừng. Bộ phận dùng là thân rễ thường gọi là củ thu hái vào thu đông. Tùy theo cách dùng mà cách gọi khác nhau: dùng tươi gọi là sinh khương; phơi sấy khô gọi là can khương.
Gừng tươi đem nướng gọi là ổi khương. Gừng khô thái lát dày sao cháy đen tồn tính (bẻ ra trong lòng màu nâu vàng) gọi là thán khương. Gừng khô thái lát dày sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước sôi nguội, đậy kín để nguội gọi là tiêu khương. Vỏ gừng là khương bì.
Thành phần hóa học của củ gừng tươi: tinh dầu 2 - 3%, nhựa dầu 5%, chất cay là zingeron, shogaol và zingiberol (trong đó zingiberol chiếm tỉ lệ cao nhất). Carbohydrat 17,7%, chất béo 0,75%, chất đạm 1,82%, các vitamin: B1: 0,025mg, B2: 0,034mg, B3: 0,075mg, B5: 0,203mg, B6: 0,16mg, B9: 11mg, C: 5mg.
Khoáng chất: Ca 16mg, Mg 43mg, Phospho 34mg, K 415mg, sắt 0,6mg, kẽm 0,34mg. Ngoài ra còn chứa alpha - camphen, beta phelandren, eucaliptol, nen phân giải protid...
Gừng có tác dụng tốt trong y học: kháng sinh, chống viêm, giảm đau, chống nôn, chống co thắt cơ trơn. Theo dược sĩ Thuyết, gừng rất cần thiết trong đời sống hằng ngày để phòng và chữa bệnh:
- Chống nôn + nhiễm lạnh: Gừng tươi 1g cho người 16 tuổi trở lên nhai hoặc uống nước gừng, có tác dụng: chống say sóng khi đi tàu thuyền, chống nôn khi đi tàu xe, chống nôn do tác dụng phụ của hóa dược trị ung thư.
Chống nhiễm lạnh khi ra ngoài trời rét. Chống nhiễm lạnh khi phải ngâm mình dưới nước lâu (tối đa 4 lần/ngày).
- Chống khô miệng + sỏi mật: Thái gừng thành lát mỏng (để trong túi PE sạch) mỗi lần ngậm 1 lát gừng sẽ kích thích niêm mạc miệng tiết nước bọt. Chống tích tụ sỏi mật cho người có tiền sử sỏi mật (thường xuyên mỗi ngày dùng 1 - 2 lần).
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống nhiễm vi rút: Người lớn nhai 1 miếng gừng buổi sáng sau ngủ dậy; trẻ em trên 5 tuổi tập nhai 0,25g gừng. Nếu sợ nhai có thể chế nước gừng theo cách: gừng tươi cạo sạch vỏ rửa sạch 10g nghiền nát, thêm 500ml nước sôi, cho vào lọ sạch có nút tốt. Khi dùng rót ra 50ml nước gừng để uống (trẻ em 12ml).
- Trị đau nửa đầu: uống 50ml nước gừng rồi xoa nước gừng vào bàn tay xoa lên đầu nhiều lần đến ướt tóc sau 20 phút sẽ đỡ.
- Trị đau vai, đau lưng: Thấm nước gừng vào gạc xoa rồi đắp vào chỗ đau.
- Giảm đau do thấp khớp: Ngày uống 5 lần x 50ml nước gừng bệnh sẽ chuyển rõ rệt sau 3 ngày dùng thuốc.
- Chữa cao huyết áp đột ngột, chân lạnh (do dương khí kém): Lấy 200ml nước gừng hòa với 800ml nước nóng cho vào 2 túi ni lông để ngâm chân, sau 15 phút sẽ từ từ hạ huyết áp.
- Giải độc do cua cá: Uống 50ml nước gừng hòa với 20ml nước sôi còn 80 độ C.
- Trị nôn do thai nghén: Mỗi lần uống 20ml nước gừng hòa với 30ml nước nóng x 4 lần/ngày.
- Phòng bệnh nghẽn mạch máu: Ngày uống 5 lần x 50ml nước gừng (tốt hơn dùng aspirine).
- Trị ho: Lấy 5ml mật ong (1 thìa cà phê) cho vào 50ml nước gừng rồi nhấp từng ít đến hết, ngày dùng 4 lần.
- Chữa cảm mạo phong hàn: Bạc hà, kinh giới, tía tô mỗi thứ 10g; bạch chỉ, địa liền, vỏ quýt mỗi thứ 6g, gừng tươi 3g lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.
- Chữa thượng thổ hạ tả do lạnh: Gừng lùi: rửa sạch củ gừng tươi khoảng 20g, bọc 3 lớp giấy rồi vùi vào than củi hoặc hơ trên lửa cho chín, bỏ hết giấy rồi giã nát và vắt lấy nước gừng thêm 50ml nước nóng cho người bệnh uống. Bã gừng đem xát vào lòng bàn chân, bàn tay người bệnh.
- Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ói: Gừng khô 10g, chích cam thảo 4g, sắc nước còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa đau bụng, đầy bụng, tiêu phân loãng: Gừng sấy khô tán nhỏ, dùng nước cơm chiêu thuốc, mỗi lần uống 2-4g.
- Chữa đau ở tim: Gừng khô tán bột 4g uống với nước cơm.
- Chữa lỵ ra máu: Gừng khô thiêu tồn tính tán bột, ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2-4g chiêu bằng nước cháo.
Dùng gừng giải say rượu cẩn thận tai biến nguy hiểm
Nhiều người hiện dùng gừng chữa say rượu, nhưng theo bác sĩ Đông y, đây là cách làm không tốt cho sức khỏe.
Theo đó, say rượu là tình trạng ngộ độc cấp tính do uống một lượng rượu quá nhiều. Dưới tác dụng của rượu vỏ não bị ức chế dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi, nói cười không tự chủ, đầu nặng mắt hoa, đi đứng xiêu vẹo, nôn mửa bừa bãi, da lạnh, thở nhanh, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch do xuất huyết não, nhồi máu cơ tim và các tai nạn giao thông nguy hiểm.
Khi lâm vào trạng thái phiền toái này, theo quan niệm của y học cổ truyền, người say nên ăn những đồ có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, chỉ khát hóa đàm để nhằm mục đích giải rượu và phòng chống các tai biến không mong muốn.
"Không có việc ăn gừng chữa hoặc chống đỏ mặt khi uống rượu. Bởi trong gừng có những hoạt chất gây kích thích hưng phấn trong cơ thể, gây giãn mạch và làm thông các mạch máu.
Bởi vậy, Đông y thường dùng gừng để trị cảm lạnh, khi đi ngoài trời lạnh ngậm gừng tươi để tăng sức ấm cho cơ thể, tăng cường các chức năng hoạt động của cơ thể như: như nhịp tim, huyết áp... Đặc biệt, gừng làm giãn mạch, tăng cường hệ thống giao cảm, kích thích cơ thể vã mồ hôi để giải cảm.
Uống rượu đã khiến cơ thể đại nhiệt, giãn mạch, mặt đỏ... nếu dùng thêm gừng thì chỉ khiến mạch giãn nhiều và đỏ hơn. Không có kinh nghiệm dân gian nào dùng gừng để giải rượu. Vì vậy, nếu đã uống rượu thì hoàn toàn không nên uống nước gừng hoặc ăn gừng.
Dùng gừng lúc này: cả rượu và gừng đều giãn mạch có thể làm tăng thêm các biến chứng nguy hiểm như: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não..." - ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhấn mạnh.
- Không dùng gừng cho người nội nhiệt, say nắng, sốt cao, bệnh gan, bệnh trĩ, biểu hư (ra nhiều mồ hôi), mất máu nhiều, trước và sau phẫu thuật.
- Gừng tương kỵ với thuốc chống đông máu, thuốc chẹn kênh canxi trị tăng huyết áp (amlodipine...).
- Không dùng gừng bị giập nát hoặc chuyển màu vì sinh chất độc sẽ hại gan.
- Khi thấy củ gừng mọc mầm trắng phải cắt bỏ mầm ngay để tránh mất hoạt chất.