Ngày 25/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố bản án phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Hà Thành câu kết 17 cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt 433 tỷ đồng.
Cấp phúc thẩm đánh giá Thành ăn năn, thành khẩn, được chị gái nộp thêm 50 triệu đồng khắc phục hậu quả, là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ, một con mắc bệnh hiểm nghèo nên giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù.
ĐXX cũng ghi nhận bị cáo tích cực đề nghị xử lý 26% cổ phần của mình tại Công ty CP đầu tư MHD để có thêm tiền nộp khắc phục hậu quả.
Ngoài Hà Thành, tòa cũng chấp nhận kháng cáo của các bị cáo còn lại, giảm hình phạt cho mỗi người từ 9 tháng đến 3 năm tù.
Riêng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) dù không kháng cáo mức phạt 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản song được HĐXX ghi nhận tự nguyện dùng toàn bộ cổ phần tại MHD để khắc phục hậu quả. Tòa do đó giảm cho Tùng 2 năm tù xuống 16 năm, để "có động lực tu dưỡng".
Vợ đại gia được trả 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 80 tỷ đồng
Về dân sự, HĐXX cơ bản giữ nguyên bản án sơ thẩm. Hàng trăm tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm liên quan vụ án được tòa tuyên buộc ngân hàng trả lại cho chủ sở hữu hoặc tiếp tục giao ba ngân hàng tạm quản lý để đảm bảo thi hành án, tùy thuộc các đại gia có hay không quan hệ vay nợ với Hà Thành.
5 đại gia đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành quản lý, bị toà xác định "ham tiền thưởng hứa hẹn", đều không được tuyên trả lại tiền. 3 đại gia không có thỏa thuận vay nợ với Thành, được tòa tuyên buộc ngân hàng trả lại tiền, không phong tỏa sổ tiết kiệm.
Tòa chấp nhận kháng cáo của bà Trang, vợ đại gia Đặng Nghĩa Toàn, bằng việc tuyên các sổ tiết kiệm đứng tên bà tại NCB và PVCombank không liên quan đến Hà Thành và các cán bộ ngân hàng có sai phạm.
Theo toà, sau khi gửi tiền và nhận sổ tiết kiệm, bà Trang đưa cho chồng giữ, không biết chồng sử dụng quản lý thế nào, không biết việc đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành. Bà cũng không thảo thuận vói Thành hay bất cứ công ty nào dùng sổ tiết kiệm của mình để vay tiền, không đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành.
Hằng tháng, các ngân hàng đều trả lãi cho bà Trang và khi xảy ra vụ lừa đảo, các ngân hàng cam kết bằng văn bản sẽ trả lại tiền cho bà. Tại tòa phúc thẩm, đại gia Toàn nói có đưa sổ tiết kiệm của vợ cho Thành song vợ không biết việc này.
HĐXX cấp phúc thẩm do đó tuyên buộc NCB và PVCombank "chấm dứt hành vi phong tỏa" và trả lại 4 sổ tiết kiệm cho bà Trang, tổng 80 tỷ đồng.
Trong phiên tòa sơ thẩm mở tháng 3 năm ngoái, Hà Thành bị đánh giá "chủ mưu, khởi xướng, hưởng lợi nhiều nhất" từ vụ án. Với sự tiếp tay của 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietABank và PVcombank, Thành đã lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với các "đại gia", hứa trả lãi cao cho họ. Thành sau đó giả mạo chữ ký các "đại gia" để cầm cố các sổ này tại ba ngân hàng trên.
Ngoài án tù chung thân, cấp sơ thẩm tuyên Thành phải khắc phục thiệt hại cho NCB 47,5 tỷ đồng, PVcombank 49,4 tỷ đồng, VietABank hơn 273 tỷ đồng và 4 cá nhân 63 tỷ đồng, tổng cộng 433 tỷ đồng.
Các vấn đề khác trong phiên phúc thẩm chủ yếu xoay quanh việc "Hà Thành lấy tiền đâu để bồi thường cho vụ án?". Trong 433 tỷ đồng thiệt hại vụ án, tài sản của bị cáo Thành dùng khắc phục hậu quả mới chỉ hơn 100 tỷ đồng.
Thành nói có 26% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư MHD, hiện bị VietABank phong tỏa để đảm bảo khoản vay. Thành có nguyện vọng dùng cổ phần này khắc phục thêm để được giảm án.
Tại thời điểm mua, năm 2018, số cổ phần này trị giá hơn 75 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm trước đây một tháng, một nhà đầu tư giấu tên muốn mua lại cổ phần này để thay Thành trả nợ các bị hại. Do chưa thể thỏa thuận ngay tại tòa, HĐXX do đó đã tạm hoãn, dành một tháng cho các bên chốt phương án mua lại các cổ phần này.
Thất bại khi đàm phán mua lại cổ phần
Tại phiên tòa lần này, đại diện nhà đầu tư có mặt và cho hay sẵn sàng mua lại số cổ phần và một số tài sản khác của Hà Thành với tổng giá 30 tỷ đồng. Song tại tòa cũng xuất hiện hai cá nhân. Một người cho hay số cổ phần đó đã được bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (đại diện pháp luật của MHD giai đoạn đó) chuyển nhượng lại cho mình và ông đã được Công ty MHD cấp sổ cổ đông.
Người còn lại cũng nói bị cáo Tùng đã thế chấp số cổ phần này cho ông trước khi thế chấp Ngân hàng Việt Á. Bị cáo Tùng cũng xác nhận có thể đã chấp cho người này.
Phiên sơ thẩm cũng dành thời gian cho các bên thảo luận tại chỗ để chốt phương án mua bán số cổ phần này, tạo điều kiện khắc phục hậu quả vụ án, đồng thời làm căn cứ giảm án cho Thành.
Nhà đầu tư giấu tên cho biết vẫn có nguyện vọng mua lại số cổ phần nhưng đề nghị Công ty MHD xác nhận việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới. Đồng thời, nhà đầu tư giấu tên đề nghị cần làm rõ vấn đề sở hữu cổ phần để tránh sau khi giao dịch họ sẽ bị phủ quyết quyền cổ đông. Trường hợp Công ty MHD xác nhận cổ phần là hợp pháp, xác nhận quyền cổ đông thì họ sẵn sàng giao dịch ngay trong phiên tòa.
Song đại diện MHD khẳng định không thể xác nhận việc chuyển nhượng này. Công ty đã thông báo không công nhận tư cách cổ đông của bất kỳ ai cho đến khi tòa án có phán quyết. Đại diện Công ty MHD xác nhận số cổ phần này của của bị cáo Tùng thế chấp cho Ngân hàng Việt Á.
Việc thỏa thuận mua lại số cổ phần này ngay tại phiên tòa không thành.