Vài tuần nay, Hải Yến (Hà Nội) cho biết cô nhận được hàng chục tin nhắn gắn mác tuyển dụng, gửi từ nhiều địa chỉ Apple ID, nhưng nội dung tương tự nhau là "tuyển nhân viên làm việc bán thời gian" với lương hàng chục triệu đồng.
"Chào bạn, tôi là trưởng phòng nhân sự, công ty đang tuyển nhân viên làm việc bán thời gian. Tiền lương được trả trong ngày. Bạn có thể làm việc tại nhà, kiếm từ 15 triệu đến 30 triệu mỗi tháng", tin nhắn có đoạn.
"Ban đầu tôi còn chặn các tin nhắn này, nhưng chúng xuất hiện quá nhiều, lại từ các địa chỉ khác nhau nên block không hết", Yến kể.
Sự phiền phức, theo cô, là khiến hộp thư đầy tin nhắn rác và có thể bỏ lỡ thông tin quan trọng, nên cô thường phải dọn dẹp ứng dụng iMessage của mình.
Yến không phải trường hợp duy nhất gặp sự khó chịu này. Theo hệ thống tiếp nhận tin nhắn rác của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), những tuần gần đây, nội dung tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn đang nở rộ qua tin nhắn iMessage, Facebook, Zalo. VNCERT/CC cho biết đây thực chất là chiêu lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.
"Ngay khi người dùng có nhu cầu, kẻ xấu sẽ gửi đường link giả mạo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... mời chào thực hiện nhiệm vụ", trung tâm này cho biết.
Cuối năm ngoái, Bình Minh (Hà Nội) cũng cho biết anh suýt trở thành nạn nhân của chiêu lừa. Sau khi nhận tin nhắn tuyển dụng, anh tò mò và làm theo hướng dẫn. "Họ giới thiệu là tư vấn viên của một công ty nước ngoài, nói tôi chỉ cần có điện thoại kết nối mạng, tài khoản Internet banking là có thể làm việc", anh kể. Công việc anh được yêu cầu là "tương tác tăng truy cập cho website bán hàng của đối tác, mỗi nhiệm vụ chỉ cần làm trong 10 phút là có thể nhận tiền hoa hồng".
Để nhận "nhiệm vụ", người dùng được yêu cầu nạp tiền trước. Nạp càng nhiều, tiền hoa hồng được hứa hẹn càng cao. Ví dụ, chọn gói nhiệm vụ 150.000 đồng, người dùng được khẳng định sẽ nhận về 220.000 đồng, nạp 500.000 đồng sẽ nhận 650.000 đồng...
Theo VNCERT/CC, ban đầu người dùng sẽ được giao "nhiệm vụ" có giá trị nhỏ vài trăm nghìn đồng, và họ thực sự nhận được tiền hoa hồng vào tài khoản. Khi thấy cộng tác viên bị hấp dẫn vì dễ kiếm tiền, kẻ xấu sẽ mời chào làm nhiệm vụ giá trị cao, có thể lên tới vài chục triệu đồng.
"Sau khi thực hiện xong một giao dịch, họ được thông báo cần thực hiện thêm 2-3 giao dịch nữa mới được hoàn lại tiền. Lúc đó, nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền và mới nhận ra mình bị lừa", đại diện trung tâm cho biết. Ngoài ra, một số người bị thông báo hệ thống đang bảo trì, sau đó bị chặn đầu mối liên hệ và mất tài sản.
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, chiêu trò này đã có từ lâu và liên tục thay đổi về nội dung để người dùng mất cảnh giác. Ông khuyến cáo không nên click vào và không cung cấp bất kỳ thông tin danh tính, tài khoản nào cho các trang web có tên miền lạ, hoặc có dấu hiệu khả nghi.
Theo trung tâm VNCERT/CC, người dùng cần cảnh giác với các hành vi tuyển dụng cộng tác viên qua mạng. Khi nhận được các lời chào mời với thu nhập hấp dẫn, họ nên tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp qua kênh chính thống để kiểm chứng. Nếu tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông qua đầu số tin nhắn 5656.