Không bắt được đáy, bắt trúng dao
“Lỗ nặng” là trạng thái tài khoản hiện nay của nhà đầu tư Hà Thanh Hương, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chị Hương cho biết, trong tài khoản của chị tỷ lệ cổ phiếu - tiền mặt hiện là 9-1.
“Mấy trăm triệu “rót” vào cổ phiếu, chưa tính một khoản đầu tư trái phiếu với lãi suất cố định, hiện đang nằm yên đếm lỗ. Trong số 6 mã tôi đang nắm giữ có 4 mã mua trong giai đoạn VN-Index leo dốc trong khoảng 1.400 - gần 1.500 điểm mà chưa kịp thoát. Lỗ nặng nhất trong đó là DRH khi giảm 51%, thứ hai là SCR giảm 47%”, chị Hương than thở.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng “lỗ chổng vó”
Trong đợt giảm sâu lần này, số tiền còn lại trong tài khoản đã được nhà đầu tư này giải ngân vào hai mã ngân hàng trong tuần trước với hy vọng trong vòng 3 tháng tới thị trường sẽ trở về vùng giá 1.400 - 1.500 điểm.
Một nhà đầu tư khác là ông Nguyễn Thành Lượng tham gia nhiều năm trên thị trường cho biết, khi VN-Index rập rình quanh 1.350 điểm rồi xuống đến 1.300 điểm, ông đã tham gia “bắt đáy”.
“Đáy không bắt được nhưng cả hai lần đều bắt trúng “dao”! Đến lúc này, dù có một vài phiên phục hồi nhưng tài khoản 6 mã đã âm 52% tính chung toàn danh mục”, nhà đầu tư này cho hay hiện tiền mặt đã hết nên dù biết nhiều mã đã giảm rất sâu nhưng đành “lực bất tòng tâm”.
Ông Lượng cũng cho biết thêm, trong nhóm bạn bè cùng chơi chứng khoán, phần lớn các thành viên cũng đều đang gồng lỗ như ông.
“Khi chứng khoán xuống dưới 1.200 điểm, nhiều người bị call margin (lệnh gọi ký quỹ, là trường hợp công ty chứng khoán đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp - PV) “cháy” hết cả tài khoản.
Trong lúc đó, nhà đầu tư còn tiền thì đợi dấu hiệu tăng rõ rệt kèm theo thanh khoản thị trường tăng mạnh để xác nhận mới vào lại bởi tâm lý sợ bị “úp sọt”, ông Lương thông tin.
Chuyên nghiệp cũng “ngã nhào”
Hiệu suất quỹ Dragon Capital âm 7,39% kể từ đầu năm
Có đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp song báo cáo tài chính quý I/2022 của TPBank ghi nhận khoản tiền thu được từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ thu về hơn 80 tỷ đồng trong cả ba tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đậm 270 tỷ đồng.
Do đó, dù thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ cao gần gấp đôi cùng kỳ cũng chỉ kéo được tổng thu nhập lãi thuần tăng 14%.
Không được lạc quan như vậy, quỹ Lumen Vietnam Fund đã trải qua một tháng 5 thực sự khó khăn khi đợt tổng kết gần nhất đến trung tuần tháng 5, quỹ này âm tới 14,12% do đà sụt giảm mạnh của nhiều nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.
Tháng 5 cũng là tháng có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, vượt qua mức sụt giảm của tháng 4 là âm 10%.
Tháng 5/2022 cũng là tháng sụt giảm kỷ lục trong các tháng 5 kể từ năm 2012 đến nay và là mức sụt giảm chỉ đứng sau kỷ lục lịch sử ghi nhận theo tháng trong vòng 10 năm qua, với con số âm 30,54% hồi tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của quỹ này đã âm 19,31%, tăng hơn 3 lần so với hiệu suất chung đến cuối tháng 4 là 6%.
Áp lực từ bên ngoài với thị trường quá lớn khiến chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh kể từ đầu năm nay bất chấp tăng trưởng nội địa được dự báo khả quan. Chỉ số chính trên thị trường đã giảm 16% kể từ đầu năm.
Khó khăn của thị trường cũng đã khiến nhiều quỹ lớn liên tiếp âm nặng nhất là tháng 4 và tháng 5, hiệu suất kể từ đầu năm 2022 đến nay rất kém.
Trong đó, Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), một trong những quỹ ETF lâu đời và lớn nhất thị trường Việt Nam với danh mục 546 triệu USD đã ghi nhận hiệu suất âm thêm 9,43% trong vòng 1 tháng qua, nâng mức hiệu suất kể từ đầu năm lên âm 19,47%, cao hơn con số âm 13,3% hồi cuối quý I vừa qua. Kéo theo đó là giá cũng giảm 25,14% kể từ đầu năm.
Một quỹ thuộc khác thuộc Dragon Capital là Vietnam Equity Fund (VEF) trong tháng gần nhất được ghi nhận cũng cho thấy hiệu suất âm 6,92% trong tháng 4 vừa qua. Nếu tính từ đầu năm, hiệu suất của quỹ này đã âm 7,39%.
Trong khi đó, Pyn Elite Fund, một quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng có báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 5/2022 với kết quả âm 3,65%.
Nhờ sự phục hồi của các mã trong danh mục: VHM, CTG, TPB và MBB đã kéo hiệu suất của quỹ này thoát khỏi tình trạng thê thảm chưa từng có trong lịch sử tháng 4 kể từ năm 1999 khi tháng 4/2022 hiệu suất của quỹ đã giảm 10,2%.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới cuối tuần qua, hiệu suất của quỹ này cũng âm 14,95%.
Mặc dù hiệu suất âm nặng nhưng về dài hạn, hầu hết các quỹ vẫn đánh giá triển vọng tốt cho chứng khoán Việt Nam. Đơn cử, Lemun Vietnam Fund và Pyn Elite Fund lạc quan vào thị trường Việt Nam khi cho rằng, các phản ứng thái quá của thị trường tạo ra nhiều cơ hội hơn là đe dọa.
VinaCapital cũng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn so với trung bình 5 năm gần nhất là 14,5 lần.
Quỹ này cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% năm 2022 và các doanh nghiệp niêm yết có khả năng đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022 là các trợ lực tốt để thị trường vượt qua những giai đoạn tiêu cực ngắn hạn và tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022.