Khởi nghiệp

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 1.

‘Thời trang xanh’ không còn là điều gì đó quá mới ở châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng ở Việt Nam nó mới chỉ rộ lên khoảng 5 đến7 năm trở lại đây; bởi sự cộng hưởng của nhu cầu người tiêu dùng trong nước cùng DN xuất khẩu. Kéo theo đó, nhu cầu về ‘sợi xanh’ có nguồn gốc từ thực vật hoặc phụ phẩm nông nghiệp, thủy hải sản cũng ngày càng nhiều. Tại Việt Nam, Bảo Lân và Faslink được xem là 2 DN đầu ngành trong lĩnh vực ‘sợi xanh’.

CEO Quách Kiến Lân và Bảo Lân là một trường hợp hết sức thú vị trong làng may mặc TP.HCM; bởi nếu nói anh kế nghiệp gia đình thì không đúng, nhưng nói không kế nghiệp thì lại sai. Mặc dù không theo nghề của ba mẹ là buôn bán vải, nhưng anh vẫn làm trong ngành may mặc – thậm chí còn chọn khởi nghiệp ở một lĩnh vực rất khó khăn và nhiều thử thách hơn - ‘sợi xanh’.

Định mệnh với ngành may mặc

Trước những năm 2010, gia đình anh Quách Kiến Lân là một trong những đại lý buôn bán vải lớn ở khu vực Chợ Lớn – Sài Gòn. Việc đủ sức lo cho con trai đi du học New Zeland chứng tỏ quy mô của họ không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Quách Kiến Lân, dù tiếp xúc với công việc của ba mẹ hàng ngày, nhưng anh không có bất cứ hứng thú gì với việc buôn bán vải hay ngành may mặc.

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 2.

Anh Quách Kiến Lân và vợ.

Tôi chứng kiến rõ nhất sự vất vả của ba mẹ cũng như thăng trầm của thị trường kinh doanh vải vóc suốt thời thơ ấu và thiếu niên; nên tôi không định kế nghiệp gia đình. Tôi thỉnh thoảng tự nhủ: mình sẽ không ngồi xé vải để nhà cửa mịt mờ bụi vải”, CEO Bảo Lân cho biết.

Tuy nhiên, như người ta bảo, ‘đã là định mệnh thì không thể chạy trốn được’. Năm 2010, sau 10 năm học tập và làm việc ở New Zeland, anh về Việt Nam và muốn cùng bạn bè đầu tư cái gì đó. Anh đã cùng mấy người bạn sang Lào tìm hiểu về dự án trồng lúa mạch rồi bán cho nhà máy sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á, nhưng dự định đã không thành.

Cũng trong quãng thời gian này, thị trường may mặc thế giới và Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn; công việc của gia đình cũng không tốt như trước. Thấy mẹ hằng ngày lo lắng buồn rầu, anh đã xung phong dẫn bà đi chơi, tham dự các sự kiện – hội chợ liên quan đến may mặc ở nước ngoài.

Đi một vòng triển lãm quốc tế về, cộng với tư duy tôn trọng tự nhiên được hun đắp trong những ngày sống ở New Zeland, anh cảm thấy nếu mình đầu tư và phát triển vào ngành ‘sợi xanh’ ở Việt Nam thì sẽ có tương lai. Kiểu gì Việt Nam cũng phải đi theo xu hướng chung của thế giới, dù chậm. Hơn nữa, nếu làm được thì anh sẽ góp phần bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Tuổi trẻ khinh cuồng, mặc kệ ba mình nhiều lần lên tiếng phản đối, anh đã thành lập công ty TNHH Vải Sợi Bảo Lân với mong ước trở thành đơn vị tiên phong sản xuất sợi vải sinh thái của Việt Nam với 100% vốn Việt Nam.

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 3.

Theo ba của anh, việc đầu tư sản xuất ‘sợi xanh’ ở thời đó là rất mạo hiểm, vì khái niệm ‘thời trang xanh’ vẫn chưa được nhiều người biết tại Việt Nam – cả người dân lẫn DN dệt may đều đang chạy ăn từng bữa, chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Thứ hai, nếu thật sự muốn kinh doanh trong ngành dệt may, anh nên kế nghiệp gia đình, như thế sẽ thuận lợi hơn việc tự khởi nghiệp rất nhiều, đơn cử như anh không cần phải đi tìm nguồn hàng hay khách hàng.

Nói dễ, làm khó! Mặc dù hiện công ty vẫn tên là Bảo Lân, nhưng tôi đã phải trải qua 2 lần tái cấu trúc cũng như thay đổi mô hình kinh doanh. Khi mới khởi nghiệp, tôi không chỉ gặp khó vì thị trường lúc đó nhu cầu ‘sợi xanh’ không nhiều, hay các xưởng dệt cũng không quan tâm, không biết cách làm, mà còn do tính cách của tôi không phù hợp với nghề dệt.

Sau vài tháng ra riêng khởi nghiệp, tôi cảm nhận được là mình không thể ngồi mãi một chỗ để ôm cái máy dệt hoặc quản lý 1 xưởng dệt. Tôi muốn ra ngoài, muốn đi đây đi đó! Có thể xem lần 1 bước vào lĩnh vực sản xuất ‘sợi xanh’ của chúng tôi không suôn sẻ do không có ‘thiên thời – địa lợi – nhân hòa’ ”, anh Quách Kiến Lân kể.

Vào năm 2012, Bảo Lân được tái tổ chức và bắt đầu lại với thương hiệu Greenyarn – tập trung vào tìm nguồn, phát triển và phân phối sợi vải bền vững số lượng lớn đến các nhà máy Việt Nam; tiêu biểu như loại sợi Melange. Sợi Melange có nguồn gốc từ xơ truyền thống song công nghệ sản xuất của nó không gây hại nhiều cho môi trường như các tiền bối và thị trường Việt Nam cũng dễ tiếp nhận hơn.

Quy trình sản xuất sợi Melange thường sẽ tiết kiệm khoảng 50% nước so với quy trình kéo sợi truyền thống trước khi nhuộm và giảm tới 50% lượng nước thải ra ngoài môi trường. Và hơn hết là quy trình này giúp tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải và bảo vệ môi trường. Họ là DN đầu tiên mang các loại sợi như Space Dye, Siro Yarn hay Color Melange về Việt Nam…

Việc nhập các loại sơ sợi trên chính là bước lùi tạm thời hay sự thỏa hiệp cần thiết của anh Quách Kiến Lân để có thể đi đường dài và chạm vào thứ mình muốn.

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 4.

Các sản phẩm tiêu biểu của Bảo Lân và Greenyarn.

Năm 2018, Bảo Lân và Greenyarn liên tục giới thiệu ra thị trường 5 loại sợi chính là Sợi Cellulose, Sợi Fancy, Sợi Organic Cotton, Sợi tái chế và Sợi đặc biệt. Sợi Cellulose là những loại sợi có nguồn gốc từ tự nhiên như sợi tre - Bamboo, gỗ sồi - Modal, bạch đàn – Tencel...; Sợi Fancy gồm những loại sợi có công nghệ nhuộm dệt tiết kiệm tài nguyên và ít gây hại đến môi trường như Space Dye, Siro Yarn, Color Melange; Sợi đặc biệt gồm Sợi than tre hay Sợi cà phê.

Chạm đến giấc mơ với sợi dứa – Ananas: Lần đầu tiên Bảo Lân kiểm soát được quy trình từ nguyên liệu thô tới xơ sợi

Mới đây, Bảo Lân – Greenyarn vừa ra mắt loại sợi sinh thái mới được làm từ xơ lá dứa và lần đầu tiên, họ có thể tự chủ được đầu vào từ vùng nguyên liệu đến thành phẩm tơ sợi. Theo đó, Ecofa Việt Nam sẽ cung cấp tơ dứa bông cho Bảo Lân để DN kéo sợi.

Hiện Ecofa Việt Nam đang liên kết với các hợp tác xã ở 5 vùng trồng lớn ở Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang để thu mua lá dứa. Công đoạn tách xuất xơ từ lá cũng được làm ngay tại vùng trồng bằng máy được sáng chế bởi kỹ sư Đậu Văn Nam – Founder của Ecofa Việt Nam. Ecofa Việt Nam sẽ chuyển giao công nghệ và bao tiêu toàn bộ lá dứa đạt chất lượng theo yêu cầu về độ dài, màu sắc, các tạp chất trên lá… cho nông dân.

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 5.

Chúng tôi đã sản xuất được sợi dứa cách đây khoảng hơn 1 năm nhưng tới nay mới công bố là do cần thời gian cho khâu R&D để làm ra thành phẩm vải và thực hiện các thử nghiệm chứng nhận lành tính, sinh thái cho sản phẩm. Ngày nay, không còn chuyện sản xuất ra sợi là xong; mà muốn bán được hàng, chúng ta phải R&D tạo ra nhiều chất vải khác nhau từ sợi để phù hợp với đa dạng nhu cầu sử dụng trong mọi thời tiết, môi trường, vùng miền khác nhau.

Chúng ta có thể hình dung đơn giản như thế này: để có thể phù hợp với từng đối tượng khách hàng và ngành hàng khác nhau như váy áo cho nữ, quần jeans, đồ gia dụng hay đồ ngủ…thì từ sợi dứa sẽ kết hợp với thêm rất nhiều loại sợi khác nhau, cách dệt – nhuộm khác nhau. Vậy nên, quá trình R&D để có thể thương mại hóa dễ dàng một loại sợi mới không hề đơn giản.

Hơn nữa, tìm được những nhà máy dệt vừa chia sẻ chung tầm nhìn, mong muốn đổi mới để đồng ý nhận sản xuất thử số lượng nhỏ, vừa có đội ngũ kỹ thuật lành nghề để điều chỉnh liên tục, thì phải nhờ duyên. Thông thường mỗi lần dệt, các nhà máy yêu cầu tối thiểu 5 tấn nguyên liệu, rất hiếm có nhà máy nào đồng ý nhận 300 – 500 kg để phục vụ cho việc thử mẫu… ”, CEO Bảo Lân giải thích.

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 6.

Tơ dứa

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 7.

Sợi và vải dứa - Ananas

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 8.

Một sản phẩm của đối tác sử dụng vải dứa - Ananas.

Hiện Bảo Lân vừa bán tơ sợi vừa làm dịch vụ ‘đo ni đóng dày’ cho nhu cầu vải riêng của từng doanh nghiệp. Nguyên do bởi nhu cầu của người tiêu dùng mỗi nước và mỗi châu lục khác nhau. Ví dụ: do thời tiết và thị hiếu, người Việt Nam thích những loại vải co dãn – thấm hút mồ hôi tốt, mặt vải trơn không “bông”; ngược lại, người châu Âu thích những loại vải có nguồn gốc tự nhiên cộng với mình vải còn “bông xù”, chưa qua xử lý.

Cũng theo anh Quách Kiến Lân, ước mơ của tất cả DN trong ngành dệt may là có thể hoàn tất vòng đời sản phẩm từ sản xuất tơ sợi đến quần áo có thương hiệu trên kệ, nhưng sức của anh và Bảo Lân mới chỉ có thể làm từ tơ sợi đến vải vóc; công đoạn sau là câu chuyện của tương lai xa. Còn tương lai gần, anh cùng các cộng sự của mình sẽ cho ra mắt thêm các loại vải có nguồn gốc thực vật - thế mạnh của Việt Nam, như: Sợi chuối, Sợi sen…

sợi xanh của Việt Nam hoàn toàn có chỗ đứng trên thế giới

Dù là DN tiên phong, nhưng do khái niệm ‘sợi xanh’ hay ‘thời trang xanh’ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai cộng với việc thị trường vẫn chưa hồi phục sau Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, nên công việc kinh doanh của Bảo Lân vẫn chưa thuận lợi như mong đợi. Tuy nhiên, anh Quách Kiến Lân vẫn rất kỳ vọng vào tương lai, bởi sản phẩm của họ hiện đang cạnh tranh sòng phẳng với tất cả đối thủ trên thế giới.

Chuyện thú vị ở Bảo Lân: CEO từ chối nối nghiệp gia đình vì không muốn ngồi… xé vải, nhưng lại chọn game khó hơn - khởi nghiệp ‘tơ sợi xanh’ từ lá dứa- Ảnh 9.

Một xưởng dệt đối tác của Bảo Lân - Greenyarn tại Việt Nam.

Việt Nam luôn nằm trong Top 3 cường quốc xuất khẩu dệt may của thế giới, điều này giúp Bảo Lân tạo được niềm tin nhanh chóng với các đối tác ở châu Âu – châu Mỹ. Hơn nữa, thương hiệu dệt may Việt Nam không có bất cứ tai tiếng nghiêm trọng gì nếu so với Trung Quốc hay Bangladesh.

Bên cạnh đó, câu chuyện ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam đang cố gắng dịch chuyển từ ‘lấy công làm lời’ sang ‘tăng giá trị đơn hàng’ cũng giúp nhu cầu ‘sợi xanh’ tăng nhanh hơn trước. Việc chọn sợi – vải ở Việt Nam sẽ giúp cho các DN xuất khẩu Việt thuận lợi hơn về mặt logistics cũng như quy trình sản xuất – bởi rất khó để xác định chính xác màu sắc và chất liệu vải nếu chỉ qua hình ảnh/clip. Đặc biệt, lúc xảy ra sai sót hoặc lỗi lầm thì dùng sợi/vải trong nước cũng dễ chỉnh sửa sản phẩm hơn lúc nhập khẩu từ nước ngoài.

Tiếp theo, Việt Nam là nước nhiệt đới có thế mạnh về nông nghiệp, nên nguồn cung nguyên liệu các loại sợi có nguồn gốc thiên nhiên như dứa/chuối/cà phê sẽ dồi dào và giá cả hợp lý; cộng với ngành công nghiệp phụ trợ dệt may khá mạnh; sẽ giúp giá thành sản phẩm sợi Greenyarn và vải W.ELL Fabric của Bảo Lân rất cạnh tranh với DN khắp thế giới. Hiện Bảo Lân cũng đang bán hàng trực tiếp cho vài đối tác đến từ châu Âu.

Cuối cùng, để tăng giá trị thương hiệu Bảo Lân cũng như ngành dệt may Việt Nam, anh Quách Kiến Lân với nhiều đồng nghiệp đang có kế hoạch cải tiến các loại vải truyền thống nổi tiếng để có thể ứng dụng chúng vào thời trang cao cấp. Hiện Bảo Lân đã thành công tạo ra vải Bamboo Lãnh – một sản phẩm kết hợp giữa sợi Bamboo và sợi Lãnh. Điều này tạo động lực cho Bảo Lân mạnh dạng mở ra những hướng đi rộng hơn cho sự kết hợp sợi Bamboo với các nhà dệt lụa nổi danh khác của Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm