Ngân hàng luôn là ngành đi đầu trong câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) ở Việt Nam. Đầu tiên là vì họ giàu có hơn các ngành khác, thứ hai nếu không làm thì họ sẽ bị các fintech và đối thủ bỏ lại phía sau, cuối cùng thì đây là ngành mà tính bảo mật được đề cao hơn cả.
Cũng như các ngành khác, các ngân hàng ở Việt Nam cũng gặp đủ kiếp nạn trong quá trình chuyển đổi số - thậm chí có ngân hàng phải thất bại vài lần rồi mới nếm được ‘trái ngọt’. Và với những chia sẻ của các sếp đến từ PvcomBank, VIB và VIB trong sự kiện Vietnam Banking Innovation Summit 2024, chúng ta có thể thấy thành quả đến từ sau thành công của CĐS đủ hấp dẫn để họ và các đồng nghiệp trong ngành ‘dù khổ vẫn muốn đâm đầu’.
Những kinh nghiệm chuyển đổi số quý báu từ PvcomBank
PvcomBank đang truyền thông mình như một ngân hàng tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam. Và họ không nói suông khi 2024 là năm thứ ba liên tiếp, Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) vinh danh họ là “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất” (Digital Transformation of the Year - Vietnam). Ngoài ra, họ còn nhận thêm danh hiệu “Ngân hàng có sản phẩm số hiệu quả dành cho SMEs”.
Gian nan mới biết mặt anh hùng, theo bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Ngân hàng số của PvcomBank , để có được như ngày hôm nay, họ đã trải qua vài lần thất bại trong quá khứ. Dự án chuyển đổi số không thành công mà bà nhớ nhất chính là ‘cho các SMEs vay online’. Sau 5 năm loay hoay mà không tìm ra được giải pháp rốt ráo, cuối cùng dự án này đã bị dẹp bỏ.
“ Cách đây khoảng vài năm, PvcomBank đã khởi tạo dự án cho doanh nghiệp vay online. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và quy hoạch nhằm tinh gọn các điều kiện cần và đủ để thuận tiện tiến hành cho các SMEs vay trực tuyến. Tuy nhiên, khi vào việc, có rất nhiều thách thức mà chúng tôi không thể vượt qua được.
Đầu tiên là thủ tục vẫn quá rắc rối và phức tạp. Chúng tôi có 600 trường dữ liệu, kèm theo đó là những yêu cầu từ phòng pháp chế, quản trị rủi ro; cơ bản là việc thu gọn đều kiện tín dụng hay tài sản đảm bảo, quản trị tín dụng phù hợp với sản phẩm online gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai, chúng tôi đã mua một hệ thống công nghệ để phục vụ cho việc chuyển đổi số, nhưng hệ thống đó lại rất khó để tùy chỉnh phù hợp với cách vận hành của PvcomBank. Như chúng ta biết, khi các hệ thống ‘không thể nói chuyện’ với nhau thì rất khó để tự động hóa; mà nếu phải nhập tay các dữ liệu thì nhiều khủng khiếp và cách vận hành của DN cũng không có nhiều thay đổi lớn. Nói chung là chỉ khi các hệ thống đồng bộ thì chúng ta mới tích hợp được.
Thứ ba, đội ngũ lãnh đạo chưa đủ quyết tâm. Theo quan điểm của tôi, thì thành bại của công cuộc chuyển đổi số phù hợp rất lớn vào quyết tâm của các lãnh đạo. Tôi lúc đó mới chỉ là nhân viên, chưa có nhiều tiếng nói đủ trọng lượng ở dự án ”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.
Nguyên tắc là muốn có 1 sản phẩm cho SMEs vay online, thì chúng ta phải tinh giản và đưa ra các điều kiện đơn giản hơn offline thì mới có thể triển khai được. Nhưng hệ thống của PvcomBank lúc đó lại không đồng bộ, điều kiện để được cho vay quá phức tạp và lãnh đạo giữa các phòng ban trong DN không đồng quan điểm với nhau.
Sau đó, PvcomBank đã mua một giải pháp khác của IBM, đồng thời thay đổi quy trình hoạt động của DN để phù hợp với hệ thống. Tiếp theo, ngân hàng này còn tự xây dựng hệ thống dựa trên cái mình đã có và thành công đưa sản phẩm cho SMEs vay go online.
“ Muốn CĐS thành công, DN có thể tuân thủ các quy tắc sau: phải đồng bộ hóa hệ thống – hệ thống lõi làm trước và phụ làm sau; Tổng giám đốc phải là trưởng dự án CĐS, đã có gần 100 con người PvcomBank tham gia vào dự án và chúng tôi phải họp hàng tuần; cái gì có thể làm nhanh và hữu ích nhất thì làm trước, phần quản trị hay back-end làm sau.
Nhờ thế, sau 1 năm, chúng tôi đã gầy dựng được ứng dụng cho riêng mình. Mặc dù chúng tôi không phải là ngân hàng lớn những vẫn có ứng dụng riêng của bản thân nhằm thường xuyên cập nhật dịch vụ và sản phẩm mới ”, Giám đốc Ngân hàng số của PvcomBank khuyến nghị.
PVcomBank là một trong những ngân hàng đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động định danh, xác thực điện tử trong việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC cho khách hàng cá nhân.
Nhờ thế, họ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động kinh doanh ra các vùng miền mà không cần mở chi nhánh offline hay tuyển thêm nhân viên. Không những thế, chi phí bỏ ra để có được 1 khách hàng mới cũng rẻ hơn một nửa: với offline, để có 1 khách hàng mới, ngân hàng này tốn 250.000 đến 300.000 đồng, còn với online chỉ tốn 150.000 đồng.
Ở khía cạnh khác, theo ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV , thì không phải chỉ ngân hàng nhỏ mà các ngân hàng lớn cũng gặp nhiều khó khăn khi CĐS.
“ BIDV về cơ bản đã nâng cấp được hệ thống lõi của mình và nhờ sự quyết tâm của Ban lãnh đạo cũng như sự quyết liệt của người đứng đầu, đã rút gọn thời gian từ 3 năm xuống còn 2 năm. Nếu xét mặt bằng chung, thì BIDV đã CĐS tương đối thành công, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng lắm.
Khó khăn phổ biến của các ngân hàng lớn khi CĐS là thuyết phục các bên liên quan cùng chung sức – chung lòng. Bộ phận tài chính sẽ hỏi là ‘đầu tư cho CĐS thì sẽ mang lại lợi ích gì – lợi nhuận bao nhiêu’, đầu tư CĐS 10% thì có thu về được 15% hay không? Muốn CĐS toàn diện thì trước hết phải CĐS được các phòng ban trong nội bộ.
Với các ngân hàng nhỏ, khó khăn lớn nhất chính là quy mô dữ liệu nhỏ và ‘nguồn lực ở đâu?’. Với các ngân hàng nhỏ, 20 triệu, 30 triệu hay 50 triệu USD là một con số lớn và thuyết phục bộ phận tài chính đồng ý đầu tư một số tiền lớn cho công nghệ không phải là điều dễ dàng.
Với các Ngân hàng lớn, quy trình thủ tục để được cấp phép chuyển đổi số không đơn giản, phải có sự cho phép của các bên liên quan về đầu tư công nghệ như Ngân hàng nhà nước. Vậy nên, tôi kiến nghị các bên liên quan ở phía trên có sự đồng cảm với các Ngân hàng khi duyệt các đề nghị về đầu tư công nghệ, vì theo tôi thấy đâu đó thủ tục vẫn hơi chậm ”, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực làm rõ hơn vấn đề.
Chiến lược ‘cloud first’ của VIB
Ngoài PvcomBank hay BIDV, thì VIB cũng là một ‘gương mặt vàng’ trong làng CĐS của ngành Ngân hàng. Theo ông Trần Nhất Minh – Phó Tổng giám đốc và Giám đốc ngân hàng số VIB , thì hành trình CĐS của họ đã kéo dài được 10 năm.
“ Sau Covid-19, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã có sự thay đổi lớn, mọi người ở nhà và dùng chủ yếu các nền tảng công nghệ để giao tiếp, mua sắm cũng như giải trí. Chúng ta có thể thấy sự bật lên của những cái tên như Grab, Facebook, Netflix, Shopee, TikTok, MoMo…và tất cả họ đều trên cloud.
Hiện tại, 85% khách hàng của các ngân hàng thuộc thế hệ X&Y – trong khi khách hàng thế hệ Z chiếm 9% và Alpha mới 0,1%; tuy nhiên thế hệ Z&Alpha mới là tương lai của nền kinh tế thế giới.
Ngân hàng cũng đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các fintech, chúng ta có thể thấy ở lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng có Anfi, Finhay; vay tiền có Tima, Money Bank; thanh toán có Apple Pay, MoMo, Shopee Pay…
Muốn cạnh tranh được trong tương lai, các ngân hàng phải có dịch vụ - sản phẩm phong phú, đa dạng và tức thời, tiện dụng. Đó là nguyên do mà VIB chọn chiến lược ‘cloud first’, bởi khi đưa hết hệ thống lên VIB Cloud, thì ngân hàng sẽ nhẹ gánh trong quá trình vận hành vì các nhà cung cấp cloud như AWS sẽ vận hành giúp một phần ”, ông Trần Nhất Minh giải thích.
Cũng theo ông Trần Nhất Minh, với Temenos Core Banking và AWS Cloud, quá trình update sản phẩm/dịch vụ mới của VIB thường rất nhanh chóng và trải nghiệm mang lại cho khách hàng cũng rất tốt.
Ví dụ: khi chạy thêm sản phẩm mới đơn giản họ chỉ cần 1h thay vì 1 ngày; sản phẩm phức tạp thì từ 5 đến 10 ngày mà không tốn chi phí so với 1 đến 3 tháng và có chi phí như trước kia. Hoặc khi chọn và kích hoạt bất cứ tính năng bảo mật nào, giờ VIB chỉ mất 1- 3 ngày thay vì 6 đến 12 tháng như trước kia; khách hàng có thể sử dụng mọi dịch vụ của VIB 24/7 thay vì hạn chế như khi dùng on-premises.
Thành quả: hiện VIB có 81% tổng số khoản vay là bán lẻ - phù hợp với định hướng mới của họ; là ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất ở quý III/2024 với khoản vay tăng 7%; dẫn đầu thị phần vay tự động; Top 1 thị phần Master Card ở Việt Nam.