Doanh nghiệp

Masan: Thoái vốn tại HCS, dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ

Lợi nhuận từ việc thoái vốn HCS

Ngày 18/12, Masan High-Tech Materials (Công ty thành viên thuộc Masan) công bố đã hoàn tất thành công việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) GmbH ("H.C. Starck", "HCS") cho Mitsubishi Materials Corporation ("MMC") Group. Là một phần của Giao dịch, MHT và HCS ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên, đồng thời tạo nền tảng vững chắc giúp MHT tối đa hóa số lượng đơn hàng.

Masan: Thoái vốn tại HCS, dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ- Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất tại Masan High-Tech Materials

Masan ​sẽ giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode. Nyobolt đang tiến gần đến giai đoạn thương mai hóa sản phẩm với quy mô lớn. Đối với công nghệ tái chế "black mass" do HCS phát triển, Masan giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận khi công nghệ này được thương mại hóa trong tương lai.

Masan: Thoái vốn tại HCS, dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ- Ảnh 2.

Masan sẽ giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt

Sau khi hoàn tất Giao dịch, Masan sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế một lần. Số tiền thu được từ Giao dịch sẽ được sử dụng để giảm nợ của MHT từ khoảng 670 triệu USD xuống còn khoảng 490 triệu USD. Tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA của Masan dự kiến vào khoảng 3,17x trong cuối năm 2024, phù hợp với mục tiêu duy trì tỷ lệ này dưới 3,5x của Tập đoàn.

Sự phục hồi của nền kinh tế và xu hướng tích cực của tiêu dùng

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào 7/12 vừa qua, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%. Đáng chú ý, các tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam theo hướng ngày càng tích cực hơn. IMF đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt; quy mô xuất khẩu thứ 23 thế giới, nhập khẩu thứ 22 thế giới.

Bên cạnh đó, mới đây, Tổng cục thống kê (GSO) cũng công bố những con số tích cực của thị trường tiêu dùng bán lẻ trong nước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 11/2024 ước đạt 562,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ tháng 11 cao nhất trong 4 tháng, trong đó chủ yếu đóng góp bởi bán lẻ hàng hóa báo hiệu sự tích của của cầu mua sắm dịp cuối năm.

Masan: Thoái vốn tại HCS, dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ- Ảnh 3.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024

Nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ GSO, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 tăng cao, đạt 1,7 triệu lượt người, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số "biết nói" của báo cáo GDP, tiêu dùng, khách du lịch đến Việt Nam phần nào báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và tiêu dùng nói riêng, góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ. Trong đó, với vị thế đầu ngành, Masan sẽ hưởng lợi đáng kể khi thị trường tiêu dùng phục hồi hoàn toàn và hứa hẹn sẽ tiến gần kế hoạch lợi nhuận tích cực năm 2024.

Chính phủ phấn đấu đạt GDP tăng trưởng 8% năm 2025

Tại Hội nghị toàn quốc được tổ chức sáng ngày 1/12, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên và làm mới các động lực tăng trưởng, để phấn đấu GDP năm 2025 đạt 8%. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, bội chi ngân sách 3,8% GDP, nợ công 35-38% GDP...trong năm 2025. Các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục được củng cố, làm mới.

Theo đó, về tiêu dùng, Chính phủ sẽ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, kiểm soát nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm...Để tiếp tục kích thích tiêu dùng trong năm 2025, tại Nghị quyết 174/2024/QH15, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2025 (áp dụng từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025). Chính sách giảm 2% thuế VAT một số nhóm hàng hóa kỳ vọng tiếp tục kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Masan: Thoái vốn tại HCS, dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ- Ảnh 4.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị WinMart

Các doanh nghiệp ngành tiêu dùng bán lẻ như Masan sẽ hưởng lợi khi chi phí mua sắm được tiết giảm giúp kích thích người tiêu dùng mua sắm, góp phần giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, lợi nhuận.

Trong quý III/2024, doanh thu thuần của Masan đạt 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với mức 20.155 tỷ đồng của quý III/2023 nhờ sự tăng trưởng bền vững từ các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ. Theo đó, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, Masan ghi nhận 60.476 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương mỗi ngày mang về 220 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo cáo đã hoàn thành 130% kế hoạch LNST kịch bản cơ sở và hướng về kịch bản tích cực trong quý IV/2024.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm