Thời sự

Nhiều lần can thiệp để hưởng lợi tiền tỉ nhưng bị can Lê Thanh Vân quanh co trốn tránh trách nhiệm

VKSND tỉnh Thái Bình vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Lưu Bình Nhưỡng, cựu đại biểu Quốc hội, cựu phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, bị can Lê Thanh Vân, cựu đại biểu Quốc hội, cựu ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội; và bị can Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Nhiều lần can thiệp để hưởng lợi tiền tỉ nhưng bị can Lê Thanh Vân quanh co trốn tránh trách nhiệm- Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Vân khi chưa bị khởi tố, bắt tạm giam

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình, năm 2019, do quá trình thực hiện Dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, thuộc phường Hà Khánh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Dự án 36 ha) gặp vướng mắc, đơn vị thực hiện là Công ty Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã nhờ ông Nguyễn Văn Vương (thời điểm đó là chuyên viên Vụ Pháp Luật - Văn phòng Chủ tịch nước) nói người tác động, xin cho dự án tiếp tục được thực hiện.

Ông Vương nhận của Công ty Hạ Long 3,3 tỉ đồng và được doanh nghiệp này hứa trích 10% số đất của dự án tương đương 15.349 m2.

Sau đó, ông Vương gặp ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục làm dự án. Sau đó, Vương cho ông Nhưỡng và ông Vân mỗi người 1 lô đất rộng hơn 400 m2 ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ngoài ra, ông Vương cũng hứa cho thêm mỗi người 1.000 m2 đất tại Dự án 36 ha, trị giá khoảng 1,95 tỉ đồng. Số còn lại 13.349 m2 trị giá hơn 26 tỉ đồng ông Vương hưởng lợi riêng.

Thực hiện theo thỏa thuận, ngày 18-7-2019 và ngày 11-9-2019, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lấy tư cách là đại biểu Quốc hội ký 2 văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị cho Công ty Hạ Long tiếp tục được thực hiện Dự án 36 ha nêu trên.

Dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội nhưng từ tháng 8-2020 đến tháng 11-2023, ông Lê Thanh Vân là đại biểu Quốc hội ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và Phó thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36 ha, qua đó ông Vân đã hưởng lợi 1 lô đất diện tích 406,60 m2 tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh trị giá 1,836 tỉ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất tại dự án.

Nhiều lần can thiệp để hưởng lợi tiền tỉ nhưng bị can Lê Thanh Vân quanh co trốn tránh trách nhiệm- Ảnh 2.

Bị can Lưu Bình Nhưỡng vào thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam

Tương tự, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký 2 văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án, hưởng lợi 1 lô đất diện tích 491,05 m2, tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, trị giá 1,836 tỉ đồng ở xã Vân Nội và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất tại dự án.

Ngoài ra, 2 ông Lưu Đình Nhưỡng và Lê Thanh Vân còn bị cáo buộc vào năm 2023 gọi điện, tác động, can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để can thiệp cho một đơn vị khác là Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7-2023 đến tháng 11-2023, ông Nhưỡng đã nhận được 210 triệu đồng, ông Vân nhận 60 triệu đồng từ doanh nghiệp.

Quá trình điều tra, bị can Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã thừa nhận hành vi như diễn biến vụ án như nêu trên nhưng không thừa nhận hành vi can thiệp đến các cơ quan có thẩm quyền để hưởng lợi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm