Công nghệ

Trải nghiệm tồi tệ khi tự sửa iPhone tại nhà

Apple bắt đầu triển khai chương trình tự sửa iPhone tại nhà cách đây một tháng và thu hút sự chú ý của cộng đồng. Động thái này được xem là bước ngoặt khi người dùng có thể tự "hồi sinh" thiết bị điện tử của mình mà không cần đến các trung tâm bảo hành.

Tuy nhiên, nhiều người đã thử làm theo hướng dẫn của Apple với bộ công cụ đầy đủ nhưng kết quả "thảm họa". Biên tập viên công nghệ Brian X. Chen của New York Times đã mô tả lại hành trình này của ông.

Đầu tiên, ông lên website của Apple thuê bộ dụng cụ với giá 49 USD (1,1 triệu đồng). Ông tốn thêm hơn 71 USD (1,64 triệu đồng) để mua viên pin mới, keo dán, ốc vít và 1.210 USD (28 triệu đồng) tiền đặt cọc.

Sau khi đọc các tài liệu hướng dẫn của hãng, ông kết luận: "Các bước có vẻ khá đơn giản: Dùng máy làm tan keo, cạy màn hình rồi tháo ốc và pin. Sau đó dùng máy lắp pin mới rồi ghép mọi thứ lại như cũ với sự hỗ trợ của một máy khác".

Bảy ngày sau khi đăng ký dịch vụ, Apple gửi đến nhà Chen hai hộp đồ lớn. So với bộ công cụ tự sửa chữa của iFixit, bộ của Apple khá cồng kềnh, máy móc có kích thước tương đương đồ ngoài cửa hàng sửa chữa chuyên nghiệp. Vì khá bối rối với những chiếc máy này, Chen quyết định nhờ đến sự trợ giúp của Shakeel Taiyab, thợ sửa đồ điện tử cũ của gia đình.

Bên trong hộp đựng đồ nghề tự sửa chữa iPhone được Apple gửi đến người dùng. Ảnh: New York Times

Bên trong một hộp đựng đồ nghề tự sửa chữa iPhone được Apple gửi đến người dùng. Ảnh: New York Times

Khi nhìn bộ đồ nghề, Taiyab khá ngờ vực nên cho Chen mượn một chiếc iPhone 12 đã hỏng để thực hành thử. "Đầu tiên, chúng tôi tháo hai ốc vít ở cạnh dưới của iPhone. Sau đó đưa điện thoại vào máy làm nóng để keo chảy ra. Tiếp đến dùng một tấm nhựa mỏng để tách màn hình khỏi thân máy. Theo hướng dẫn của Apple, chúng tôi tiếp tục ngắt cáp kết nối, tháo các vít bên trong và pin. Mọi thứ diễn ra khá dễ dàng", Chen kể lại.

Với kinh nghiệm có được, Chen quyết định thực hành trên chiếc iPhone 12 của mình. Nhưng hành trình sau đó được ví như một cơn ác mộng.

"Tôi đưa chiếc iPhone vào máy làm nóng, Taiyab lập tức ngăn vì tôi chưa tháo hai ốc vít phía dưới như hướng dẫn. Tôi lấy máy ra ngay rồi làm lại các bước", ông nhớ lại.

Sau khi thay pin và dùng máy ép keo để đảm bảo điện thoại vẫn có thể chống nước, Chen cắm sạc, khởi động lại máy và điều tồi tệ đã đến. Màn hình iPhone liên tục xuất hiện các sọc trắng. Nó bị hỏng do bước đầu tháo màn hình, anh đã quên tháo hai con ốc.

Máy làm nóng keo để tách màn hình iPhone có kích thước lớn, tương tự loại được các thợ sửa chuyên nghiệp dùng. Ảnh: New York Times

Máy làm nóng keo để tách màn hình iPhone có kích thước lớn, tương tự loại được các thợ sửa chuyên nghiệp dùng. Ảnh: New York Times

May mắn ở cửa hàng của Taiyab có nhiều màn hình dự phòng. Anh ta tháo màn hình từ một chiếc iPhone khác để thay cho Chen. Nhưng khi bật nguồn, chiếc iPhone 12 xuất hiện thông báo cho biết pin và màn hình bị thay thế bằng những linh kiện không rõ nguồn gốc. Điều này khiến Chen hoang mang vì pin được đặt mua chính hãng từ Apple, trong khi màn hình lấy "nguyên zin" từ chiếc iPhone khác.

Apple yêu cầu người dùng phải chạy cấu hình hệ thống để hoàn tất việc sửa chữa. Theo hướng dẫn, Chen gọi điện đến bộ phận hỗ trợ khách hàng để xác nhận số series linh kiện. Một kỹ thuật viên đề nghị Chen sạc điện thoại, giữ ba phím cứng để bắt đầu quá trình xác nhận nhưng không thành công. Anh phải lên một diễn đàn trực tuyến, tự tìm hiểu và làm theo. 30 phút sau khi mày mò, việc xác nhận hoàn tất, cảnh báo về pin và màn hình được tắt. Tuy nhiên, đến nay thi thoảng điện thoại vẫn hiện cảnh báo về màn hình được lắp từ một chiếc iPhone khác.

Thợ sửa điện thoại Shakeel Taiyab đánh giá cao việc Apple trao quyền sửa chữa cho người dùng. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này "chỉ khiến người dùng phạm sai lầm nhiều hơn". Việc tự sửa iPhone tại nhà gần như không thực tế với đa số người dùng phổ thông. Chưa kể giá thay pin ngoài trung tâm bảo hành Apple cũng chỉ mất 69 USD, rẻ hơn giá thuê đồ nghề và mua pin về tự thay.

Chen cho rằng chương trình của Apple có thể chỉ để đối phó các quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ về việc các công ty công nghệ gây khó khăn cho mọi người trong việc sửa thiết bị điện tử.

Apple cho biết họ ghi nhận những phản hồi của người dùng về chương trình. Tuy nhiên, giống nhiều chính sách mới khác, việc tự sửa vẫn sẽ có ưu, nhược điểm và tiềm năng phát triển. Một trong những lợi ích lớn nhất hãng nhắc đến là ngay cả những thợ sửa chữa độc lập như Taiyab cũng có thể tiếp cận các công cụ từ hãng và làm theo các hướng dẫn chi tiết thay vì tự mày mò.

(theo New York Times)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm