"Các con tôi viết code tốt từ khi 12 tuổi. Chúng tốt hơn nhiều so với những đoạn mã vớ vẩn mà Palmer gửi cho tôi", Musk viết trên Twitter ngày 31/5. "Nếu nó tuyệt với như cậu ta nói, hãy chia sẻ với thế giới và làm cho trải nghiệm của mọi người trên Twitter tốt hơn".
Phản ứng của Musk được đưa ra sau khi Palmer - một trong những người đứng sau meme coin Dogecoin - chỉ trích CEO Tesla trên trang Crikey của Australia. Trong đó, ông nhận xét Musk không hiểu gì về lập trình.
Palmer cho biết ông lần đầu nhắn tin cho Musk trên Twitter cách đây vài năm, khi tạo ra một bot giúp phát hiện lừa đảo tiền số trong các bài đăng. Ông cũng làm việc với nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey và đội ngũ mạng xã hội này để các báo cáo có thể được chuyển ngay lập tức cho họ. Palmer đồng thời chia sẻ bot tới những người có ảnh hưởng khác trong giới tiền số.
"Musk liên hệ với tôi để tiếp cận bot đó và lộ rõ ông ấy không hiểu về mã hóa", Palmer kể. "Ông ấy còn hỏi tôi cách chạy tập lệnh Python này". Python là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thế giới.
Palmer đã chia tay dự án Dogecoin năm 2015 với lý do văn hóa "độc hại". Ông cũng từng dự đoán tiền số không có tương lai, đồng thời đối mặt với các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Thực tế, mục đích tạo ra meme coin này của đội ngũ đứng sau chủ yếu để "troll" giới tiền số và xem như trò đùa. Trong khi đó, Musk lại là người đã tích cực quảng bá Dogecoin những năm qua và góp phần giúp đồng này tăng giá hàng triệu lần.
"Palmer luôn quên rằng anh ta chưa bao giờ viết một đoạn mã nào liên quan đến Dogecoin", Musk cho hay.
Trong bài đăng tiếp theo cùng ngày 31/5, Palmer kêu gọi Billy Markus, cũng là người đồng sáng lập Dogecoin, làm chứng trước cáo buộc của Musk. Tuy nhiên, không có phản hồi nào từ Markus.
Markus sau đó tweet riêng rằng: "Những người đi sau tôi và Jackson Palmer đã lập trình nhiều hơn cho Dogecoin theo cấp số nhân dựa trên đoạn mã cơ sở. Tôi nghĩ tôi đã viết khoảng 20 dòng mã và sao chép phần còn lại".
Đáp lại, Musk khen Markus khiêm tốn. "Sự hài hước và thành kính của Billy là một trong những lý do tại sao mọi người lại yêu thích Dogecoin", Musk viết trên Twitter ngày 1/6.
Markus là cựu kỹ sư phần mềm IBM còn Palmer là cựu kỹ sư phần mềm của Adobe. Cả hai đã cùng nhau tạo ra Dogecoin năm 2013 dù chưa từng gặp nhau. Cả hai cũng không còn tham gia dự án meme coin này nữa.
Cũng trong chia sẻ với Crikey, Palmer bình luận Musk kiếm tiền không trung thực bằng cách lừa mọi người. "Musk thực sự giỏi giả vờ như mình hiểu biết. Điều đó thể hiện rất rõ ràng với lời hứa về xe tự lái hoàn toàn của Tesla", Palmer chỉ trích.
Ông cũng cho rằng người dùng Twitter có thể bị mê hoặc bởi các bài đăng của Musk và muốn kết bạn hoặc làm giàu bằng cách hợp tác với ông. "Khoảng một năm trước, khi Musk đang nói điều gì đó về tiền số, tôi đã nói ông ấy đã và sẽ luôn là một kẻ lừa tiền. Nhưng thế giới yêu những kẻ lừa tiền", Palmer nhận xét. "Họ thích ý tưởng một ngày nào đó cũng có thể trở thành tỷ phú. Và đó là giấc mơ mà Musk đang bán".
Trong lịch sử phát triển của Dogecoin, Musk là một trong những nhân tố không thể thiếu vì nhiều lần công khai ủng hộ tiền số này. Sau mỗi tweet của ông năm ngoái, Dogecoin luôn tăng hàng trăm lần. Còn năm nay, Musk dường như "hết phép" khi nhắc đến token này ít nhất hai lần nhưng nó chỉ tăng vài phần trăm, sau đó giảm trở lại.