Từng học ngành quản trị kinh doanh và làm việc cho một ngân hàng nhưng chị Lê Thị Sánh (SN 1991), trú tại Thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) lại quyết định về quê làm nông nghiệp.
“Ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm cách nhà 15km, thu nhập cũng chỉ loanh quanh khoảng 10 triệu đồng. Thu nhập không cao, cả hai lại thích về quê sống bình dị, gần gia đình hơn là đi làm thuê nên bàn nhau nghỉ, về nhà trồng sầu riêng và kinh doanh cây kiểng”, chị Sánh kể.
Các kênh dẫn nước về tưới sầu riêng được chị Sánh trồng hoa súng kiểng.
Với diện tích hơn 10.000m2 cây ăn trái, để có nước tưới cây, vợ chồng chị Sánh phải làm kênh dẫn nước về các ao. Nhận thấy diện tích mặt nước khoảng 5.000m2 bỏ không cũng phí, tình cờ biết được một số loại súng kiểng có màu sắc đẹp, chị Sánh bèn chi 10 triệu đồng để mua khoảng 10 loại súng kiểng của Úc và Thái Lan về trồng chơi.
Từ việc mua vài loại hoa súng kiểng trồng chơi cho vui, chị Sánh đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Mới đầu, do chưa nắm được cách sinh trưởng của cây, nước sâu nên cây chậm phát triển, lá vàng úa và một số cây bị chết. Dần dần, chị lên các hội nhóm chơi hoa súng kiểng học hỏi kinh nghiệm, cách trồng.
Những loại hoa súng kiểng được chị trồng thành công trong ao, kênh dẫn nước.
“Tôi nhận ra cây hoa súng không được trồng quá sâu hoặc quá nhiều bùn sẽ khiến cây bị úng hoặc mầm hoa không bật lên được. Chưa kể, để cây ra hoa đúng thời điểm và cho màu chuẩn thì phải bón phân hữu cơ, tránh dùng phân hoá học hoặc thuốc bảo vệ thực vật làm cây bị chết”, chị Sánh nói.
Hoa súng kiểng được nhiều người yêu thích, tìm mua với giá cao.
Trời không phụ lòng người, sau vài tháng chăm sóc, những cây súng còn lại trong ao của chị bắt đầu ra hoa rực rỡ và có hoa quanh năm. Nguồn phân hữu cơ bón cho cây sầu riêng trôi xuống ao, cây tự phát triển, không cần nhiều công chăm sóc.
Mỗi cây giống hoa súng kiểng có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng, tuỳ loại.
Ngoài ra, do đây là loài hoa chưa được nhiều người trồng nên khi cây ra hoa, nhiều người tìm đến mua hoa và cây hoa súng giống của chị về trồng.
Thấy mình đã nắm được kỹ thuật trồng hoa súng và tiềm năng phát triển kinh tế từ loại cây này, chị Sánh quyết định tự nhân giống hoa súng để phủ kín 5.000m2 mặt nước ao. Tiền bán hoa và cây giống thu được, chị lại đi mua thêm nhiều giống mới về trồng.
Toàn bộ 5.000m2 mặt nước được chị Sánh phủ kín bằng hoa súng kiểng với đủ màu sắc.
Đến nay, chị Sánh sở hữu nhiều giống hoa súng với hơn 100 mặt hoa có màu sắc khác nhau, chủ động được kỹ thuật trồng và lai tạo các dòng hoa súng kiểng từ dễ đến khó.
Từ đam mê loại hoa này, chị Sánh đã mang về cho gia đình thu nhập nhiều người mơ ước.
Ngoài phủ kín các ao dẫn nước tưới sầu riêng với đủ các loại hoa súng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân gần xa đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh, chị Sánh còn cung cấp cây giống hoa súng cho những người có cùng đam mê.
Hiện tại chị sở hữu nhiều loại hoa súng kiểng với hơn 100 mặt hoa có màu sắc khác nhau.
Mỗi cây súng kiểng được chị bán ra với giá từ 50 nghìn đồng đến vài triệu đồng, tuỳ loại. Hoa súng cũng được chị bán với giá 6 nghìn đồng/bông để mọi người về cắm chơi. Hoa thu hái được đến đâu có người mua hết đến đó.
Không chỉ bán hoa súng và cây giống hoa súng kiểng, vườn súng nhà chị Sánh còn thu hút rất đông người đến thăm quan, chụp ảnh.
Nhờ vậy, mỗi tháng chị Sánh thu về từ 50-60 triệu đồng từ cây hoa súng kiểng. Riêng dịp Tết, chị có thể thu về trên 100 triệu đồng/tháng do thời điểm đó, hoa súng kiểng ở miền Trung và miền Bắc không có hoa, nhu cầu của khách lại cao nên lượng cây và hoa bán ra tăng gấp 2-3 lần.
“Cây hoa súng khi đã nắm được kỹ thuật thì rất dễ trồng và chăm sóc. Tận dụng diện tích ao có sẵn và nguồn phân hữu cơ từ vườn sầu riêng trôi xuống nên hầu như không mất chi phí gì, hai vợ chồng tự làm, không thuê nên lợi nhuận 100%”, chị Sánh phân tích.
Nhờ vào đam mê với cây hoa súng kiểng, vợ chồng chị Sánh đã có thu nhập cao, có kinh phí chăm sóc vườn sầu riêng những năm mới trồng.