VGI&MVN&GAS&ACV&BCM&SNZ:
Kể từ đầu năm cho tới nay, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà tăng trưởng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6, VN-Index đạt mức điểm 1.279,5 điểm, tăng 150 điểm kể từ đầu năm. Thậm chí có quãng thời gian chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đã vượt mốc 1.300 điểm lần đầu tiên sau 2 năm.
Với đà tăng của thị trường từ đầu năm rất nhiều cổ phiếu cũng đã tăng bằng lần. Tuy nhiên, có một điểm khác lạ so với trong quá khứ đã có rất nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn do Nhà nước nắm chi phối ghi nhận mức tăng vài trăm phần trăm.
Trong đó có thể kể đến như VGI (tăng 320%), MVN (tăng 160%), ACV (tăng 98%), GVR (tăng 60%), SNZ (tăng 29%). Kém ấn tượng hơn một chút là cổ phiếu BCM cũng dù không tăng mạnh so với những cũng tăng trưởng trở lại 24% trong 2 tháng qua. Trong khi đó cổ phiếu GAS lại không có nhiều biến động.
Kéo theo đà tăng của cổ phiếu, vốn hóa của các doanh nghiệp Nhà nước cũng tăng mạnh, lấn lướt các doanh nghiệp tư nhân trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước đang chiếm quá nửa các vị trí.
Trong đó đáng chú ý phải kể đến Viettel Global và ACV khi hai doanh nghiệp này ghi nhận vốn hóa tăng cả trăm nghìn tỷ đồng, lần lượt xếp thứ 2 và 3 trên sàn chứng khoán, chỉ còn kém mỗi Vietcombank.
Có thể chỉ ra một điểm chung cho những cổ phiếu đang tăng mạnh trong thời gian gần đây như BCM, VGI, ACV, GVR, SNZ, BCM hay GAS là những cổ phiếu này đang có cơ cấu cổ đông rất 'cô đặc'. Theo đó, các tổ chức Nhà nước đã nắm đến hơn 95% vốn của các công ty kể trên.
Do khối lượng cổ phiếu Nhà nước nắm giữ rất lớn nên cổ phiếu tự do bên ngoài (free float) của các công ty này đều nhỏ. Vì vậy, việc các cổ phiếu các tập đoàn kinh tế này tăng giá sẽ dễ hơn các công ty có lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài thị trường ở mức lớn.
Việt Nam cũng đã từng chứng kiến một cổ phiếu tăng phi mã trong một thời gian ngắn khi có cơ cấu cổ đông cô đặc. Đó là cổ phiếu VFS của VinFast. Khoảng 99% vốn điều lệ của hãng xe điện này được nắm giữ bởi các tổ chức có liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup.
Vì vậy, khi mới niêm yết cổ phiếu VFS đã tăng từ mức 30 USD lên 90 USD chỉ trong vòng 2 tuần. Có lúc, vốn hóa của doanh nghiệp này đã đạt cột mốc 190 tỷ USD, lọt top 5 doanh nghiệp sản xuất ô tô giá trị nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, đa phần những cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua của thị trường chứng khoán Việt Nam mà chúng tôi liệt kê ở trên là nhiều doanh nghiệp đang giao dịch trên sàn UPCoM, biên độ biến động lớn. Các công ty này chưa đạt một số chỉ tiêu để có thể niêm yết cổ phiếu trên HoSE.