Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thanh toán cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20% (tương đương trả 2.000 đồng trên mỗi cổ phiếu).
Với hơn 529 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty phân bón ước tính phải chi ra số tiền 1.059 tỷ đồng để hoàn tất nghĩa vụ trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông.
Ngày đăng ký cuối cùng vào 25/6, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền 24/6. Dự kiến, số tiền trên sẽ đến tay cổ đông vào ngày 11/7.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn đang là công ty mẹ tại Đạm Cà Mau với tỷ lệ sở hữu 75,56% (hơn 400 triệu cổ phiếu). Như vậy, tập đoàn kinh tế Nhà nước này sẽ nhận về khoảng 800 tỷ đồng trong đợt chi trả tới đây.
Năm 2023, công ty phân bón ghi nhận tổng doanh thu 13.172 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.110 tỷ đồng, bằng 26% so với mức nền kỷ lục cùng kỳ và vẫn vượt 21% kế hoạch năm.
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết tỷ lệ 20% được xem là hài hòa cho cổ đông và công ty. Đạm Cà Mau cần chi phí đầu tư lớn trong thời gian tới, nhu cầu vốn không chỉ trước mắt mà còn nhiều năm sau, trong khi cổ đông không chỉ kỷ vọng cổ tức mà triển vọng dài hạn.
Trong năm nay, công ty tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp (trong đó có dự án M&A một Nhà máy sản xuất NPK) và triển khai 7 dự án mới; chuẩn bị tìm kiếm cơ hội đầu tư 11 dự án.
Năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu gần 11.878 tỷ đồng, giảm 6% so với thực hiện năm trước. Chỉ tiêu lãi sau thuế 795 tỷ đồng, giảm 43% so với kết quả năm 2023. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 10%.
Kết thúc quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Lãi sau thuế 349 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ và đã thực hiện được 43% mục tiêu năm.
Mới đây, đơn vị còn hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty Phân bón Hàn - Việt (KVF) với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy mới kể từ khi tái cấu trúc trong tháng 5 và đưa vào hệ sinh thái của Đạm Cà Mau, đã bắt đầu có lãi.
Về tài chính, CEO Văn Tiến Thanh nhấn mạnh công ty có sự tích lũy dòng tiền khá tốt nên vẫn chủ động dòng tiền phục vụ sản xuất kinh doanh như đầu tư cho các dự án nâng cấp hạ tầng và logistic, R&D và quản trị. Công ty cân nhắc tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay để hiệu quả nên chưa có nhu cầu tăng vốn điều lệ.