Doanh nghiệp

“Trợ lực” cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Doanh số bán hàng sụt giảm

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tác động đến các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm, điều chỉnh sản lượng. Bên cạnh đó, sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng tăng cao…làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.

photo-1718693161303

Doanh nghiệp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Căn cứ thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô 5 tháng đầu năm 2024 sụt giảm đáng kể. Theo thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số doanh nghiệp ngoài VAMA, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường đã tiêu thụ khoảng 121.189 ô tô các loại (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại), giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023. Trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

Do những khó khăn, thách thức nêu trên, về phía Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết.

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước là cần thiết

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước phục hồi và phát triển. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 65/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nghị định nêu rõ: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9-2024 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20-11-2024.

“Việc đề xuất thống nhất thời gian gia hạn là ngày 20/11 là để tránh dồn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp vào cuối năm và tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính”- Bộ Tài chính cho hay.

Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn.

Đánh giá về tác động của chính sách đến ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 1 tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2024 là khoảng 2.140 tỷ đồng. Theo đó, tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 8.560 tỷ đồng. Do thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11/2024 nên không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

Đối với tác động về thực hiện cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không phải là giải pháp ưu đãi về thuế, không vi phạm các quy định về trợ cấp, nên ít có quan ngại từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước không phải là giải pháp ưu đãi về thuế, không vi phạm các quy định về trợ cấp, do đó ít có quan ngại từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Mặc dù, đây không phải là ưu đãi về thuế suất, chưa có cơ sở rõ ràng để khẳng định vi phạm các quy định về trợ cấp nhưng việc gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ tạo điều kiện theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài, vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và cac FTA.

Về phía Bộ Công Thương cũng ủng hộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói riêng. Trong trường hợp tiếp tục áp dụng chính sách này trong năm 2024, Việt Nam cần có những biện pháp ngoại giao phù hợp để tránh bị ảnh hưởng uy tín với các đối tác thương mại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm