Ung thư dạ dày - mối lo ngại hàng đầu về bệnh hiểm nghèo
Khảo sát Asia Care 2024 được Manulife thực hiện với hơn 8.400 người tại châu Á. Trong khảo sát này, Manulife cũng cho ra mắt Manulife’s My Future Readiness Index (Chỉ số sẵn sàng cho tương lai) nhằm đo lường cách người tiêu dùng đánh giá về sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính ở hiện tại cũng như trong tương lai của họ.
Những người Việt được khảo sát cho rằng sức khỏe thể chất là yếu tố quan trọng nhất tạo nền tảng cho sức khỏe tinh thần và tài chính khi họ nhìn về tương lai trong vòng 10 năm tới. Ung thư (39%) và đột quỵ (39%) là hai mối lo ngại hàng đầu trong số những rủi ro sức khoẻ được đề cập.
Ung thư và đột quỵ được xem là hai mối lo ngại hàng đầu trong số những rủi ro về sức khoẻ
Mức độ lo ngại này của người Việt cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực, tương ứng là 34% cho ung thư và 31% cho đột quỵ. Các yếu tố khác về sức khỏe tinh thần như rối loạn giấc ngủ và căng thẳng (stress) cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của những người được khảo sát. Tuy nhiên, ung thư vẫn được coi là rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe thể chất và tài chính của họ.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong năm căn bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh ung thư gan, phổi, vú và đại trực tràng. Điều đáng báo động là tỉ lệ người mắc bệnh này ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ngoài những nguyên nhân đến từ lối sống, sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng thì yếu tố gây bệnh quan trọng nhất là vi khuẩn đường ruột Helicobacter Pylori (thường được gọi là vi khuẩn HP). Tuy nhiên, phần lớn người Việt hầu như không biết hoặc không quan tâm đến tác nhân này. Theo số liệu của Bộ Y tế, có tới 70% người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP và hơn 80% ca ung thư dạ dày liên quan đến vi khuẩn HP.
Theo Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỉ lệ người dưới 40 nhiễm ung thư dạ dày chiếm hơn 20% tổng số ca mắc bệnh và đang có chiều hướng gia tăng. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung ngày càng phát triển và dễ tiếp cận hơn, nhưng chi phí điều trị cao.
Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam nhấn mạnh: “Không chỉ là rủi ro về sức khỏe, ung thư có thể trở thành rủi ro lớn về tài chính nếu người dân không có kế hoạch phòng bị sớm. Để cùng cộng đồng hành động vì sức khỏe, sắp tới đây, Manulife sẽ ra mắt chiến dịch ‘Sống Sạch – Sành – Xanh’ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng lối sống lành mạnh, phòng tránh ung thư dạ dày và các vấn đề sức khỏe hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, Manulife cũng tổ chức chương trình kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát HP miễn phí cho người dân ở Hà Nội và TP.HCM.”
Nỗ lực để giảm thiểu các rủi ro sức khỏe
Trong số những người Việt Nam được khảo sát, 72% cho biết chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính đối với họ. Những hạng mục chi phi ý tế được cho là tăng nhiều nhất bao gồm chi phí thuốc men theo toa; chi phí kiểm tra, phòng bệnh; chi phí khám bệnh ngoại trú và chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những người được khảo sát cũng cho rằng chi phí y tế có mức tăng trung bình là 24% trong vòng 12 tháng qua.
Người Việt đánh giá về tình trạng tài chính của họ trong 10 năm tới ở mức 88/100 điểm. Tuy nhiên, mức điểm này giảm xuống còn 76 điểm khi các đáp viên được hỏi về sự tự tin của họ trong việc có thể đạt được mức độ khả năng tài chính như mong muốn, cho thấy rằng có sự không chắc chắn về tương lai.
Những người được khảo sát tại Việt Nam cũng cho biết họ đang cố gắng tập thể dục nhiều hơn và cải thiện chế độ ăn uống để giảm thiểu rủi ro sức khỏe.
Nhiều người xây dựng thói quen tập thể dục và cải thiện chế độ ăn uống để giảm thiểu rủi ro sức khỏe
Bên cạnh đó, gần 90% người được khảo sát khẳng định họ đang có tham gia một trong những loại hình bảo hiểm như bảo hiểm cá nhân, bảo hiểm phương tiện, hay bảo hiểm nhà cửa. Cụ thể, 77% đáp viên cho biết họ đang tham gia các gói bảo hiểm cá nhân, trong đó 39% có bảo hiểm nhân thọ. Dù vậy, mức độ bảo vệ cho các vấn đề về sức khỏe nói chung còn thấp, đặc biệt là bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Trong đó, 33% đáp viên cho biết có bảo hiểm tai nạn, 19% có trợ cấp nằm viện, 27% có quyền lợi ngoại trú và chỉ 16% có bảo hiểm về các bệnh hiểm nghèo. Con số này có xu hướng cải thiện trong tương lai khi gần 1/3 khách hàng trong độ tuổi 25-39 cho biết họ có ý định lựa chọn gói bảo hiểm với mức phí cao hơn, có phạm vi bảo hiểm và quyền lợi rộng rãi hơn.
Trên tất cả các thị trường được khảo sát ở châu Á, 7 trong số 10 người được hỏi cho biết họ cảm thấy các quyền lợi từ gói bảo hiểm sức khỏe được công ty của họ chi trả là chưa đủ. Tại Việt Nam, 80% mong muốn có những cải tiến về quyền lợi và phạm vi bảo hiểm để hỗ trợ tốt hơn cho các kế hoạch sức khỏe và tài chính của họ.