Hóa chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), thường được gọi là "hóa chất vĩnh cửu", đang hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Từ đồng phục học sinh, bao bì thực phẩm đến mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, PFAS đã len lỏi vào môi trường sống, thậm chí cả thực phẩm và nước uống.
Mới đây, một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng một số loại PFAS có thể xâm nhập qua da người.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà hóa học môi trường từ Đại học Birmingham, Anh, và công bố trên tạp chí Environment International số tháng 6.
Tiến sĩ Stuart Harrad, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: "Chúng tôi đã nghiên cứu 17 loại PFAS có trong các sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da người. Kết quả cho thấy 11 trong số đó có khả năng vượt qua hàng rào da".
Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình da người 3D để kiểm tra khả năng hấp thụ của PFAS.
Tiến sĩ Oddný Ragnarsdóttir, đồng tác giả nghiên cứu, hiện đang công tác tại Đại học Iceland ở Reykjavik, chia sẻ: "Chúng tôi phát hiện ra rằng các PFAS có chuỗi carbon ngắn hơn, từ 4 đến 7 nguyên tử, dường như được hấp thụ dễ dàng hơn. Ví dụ, khoảng 59% axit perfluoropentanoic (PFPeA) và 49% perfluorobutane sulfonate (PFBS) đã thâm nhập vào da và xuyên qua đến chất lỏng mô phỏng máu trong cơ thể".
Mặc dù liều lượng PFAS được sử dụng trong các thí nghiệm cao hơn so với mức tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hằng ngày, tiến sĩ Ragnarsdóttir nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức người tiêu dùng: "Chúng ta mặc quần áo trong nhiều giờ mỗi ngày. Nếu bạn đang mặc thứ gì đó có chứa PFAS, đó chính là một nguồn tiếp xúc đáng kể".
Nghiên cứu này đặt ra những câu hỏi mới về tính an toàn của các sản phẩm chứa PFAS mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Trong khi các cơ quan quản lý như Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã đặt ra hướng dẫn về giới hạn PFAS trong nước uống, việc kiểm soát tiếp xúc qua da vẫn còn là một lĩnh vực cần được quan tâm nhiều hơn trong tương lai.
Khả năng hấp thụ hóa chất vĩnh cửu khác nhau tùy vùng da
Tiến sĩ Miriam Diamond, một nhà khoa học môi trường từ Đại học Toronto không tham gia vào nghiên cứu này, cảnh báo rằng kết quả trong phòng thí nghiệm có thể không hoàn toàn phản ánh tình huống thực tế.
"Da người có độ dày khác nhau ở các vùng khác nhau trên cơ thể, vì vậy khả năng hấp thụ PFAS cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí tiếp xúc", bà nói.