Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ được BHXH Việt Nam tổ chức ngày 31-7, ông Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), đánh giá việc 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là nỗ lực lớn của ngành BHXH và Công an các địa phương trong việc chia sẻ, đồng bộ dữ liệu.
Ấn tượng chi trả chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân
Việc chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân cũng là kết quả ấn tượng, vượt qua rất nhiều khó khăn ban đầu khi thực hiện.
Để thuận tiện cho công tác khám chữa bệnh, chấm dứt tình trạng gian lận bảo hiểm, ông Tấn đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VssID. Các cơ quan chức năng cũng cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý dữ liệu, dần dần xử lý tội phạm liên quan đến BHXH.
Ngoài ra, ông Tấn cũng lưu ý lãnh đạo ngành BHXH cần cảnh báo đến từng cán bộ nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ nguy cơ lộ, lọt dữ liệu từ hacker, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể tạo ra nguy cơ mất an ninh thông tin cho cả hệ thống.
Cũng theo ông Tấn, hiện vẫn còn 1,6 triệu hồ sơ dữ liệu BHXH chưa khớp với dữ liệu căn cước công dân. Do đó, dữ liệu này cần phải rà soát khớp nối từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, còn 10 tỉnh, thành "đội sổ" về triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt, lực lượng cảnh sát về hành chính địa phương phải có trách nhiệm cùng với bên BHXH triển khai rốt ráo.
Xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chuyển đổi số đã mang lại nhiều tiện ích cho người thụ hưởng chính sách bảo hiểm, đảm bảo nhanh gọn, an toàn, thuận tiện. Hiện có 74% người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip với hơn 104,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 49,9 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 88% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).
Trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế BHYT giấy để khám, chữa bệnh.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của ngành trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 như: Một vài người đứng đầu chưa ý thức được trách nhiệm, một số cán bộ chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Công tác đảm bảo an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm, vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin.
Cơ sở hạ tầng của ngân hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, liên thông dữ liệu với BHXH Việt Nam.
Ông Mạnh yêu cầu thời gian tới các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đã được phê duyệt trong triển khai công tác chuyển đổi số
Tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu của ngành, đồng thời sẵn sàng chia sẻ, đồng bộ, liên thông với các bộ, ngành, địa phương, từ đó tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số.
BHXH Việt Nam cho biết đang phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội thí điểm liên thông dữ liệu KCB BHYT, phục vụ triển khai Sổ Sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội. Thống kê bước đầu cho thấy tại Hà Nội, có 386 cơ sở y tế với trên 3,93 triệu hồ sơ được gửi lên Hệ thống của BHXH Việt Nam.