Tài chính

Các cấu phần kinh doanh chính đều giảm, tại sao Vietcombank vẫn lãi kỷ lục?

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với nhiều mảng kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ.

Cụ thể, quý vừa qua, thu nhập lãi thuần – "nồi cơm chính" của nhà băng giảm 1% từ 14.020 tỷ đồng xuống còn 13.907 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh doanh ngoại hối vốn là thế mạnh của Vietcombank cũng có diễn biến kém khả quan, chỉ đạt 1.498 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Các nguồn thu ngoài lãi khác chung xu hướng sụt giảm như lãi từ dịch vụ và lãi từ hoạt động khác lần lượt giảm 8% và 91%. Hoạt động mua bán chứng khoán cũng thua lỗ hơn 1,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 58 tỷ đồng.

Hệ quả, các chỉ tiêu kinh doanh chính giảm khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng âm so với cùng kỳ, đạt 11.630 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, do cắt giảm dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp vẫn tăng hơn 9% so với cùng kỳ, đạt 10.116 tỷ đồng.

Các cấu phần kinh doanh chính đều giảm, tại sao Vietcombank vẫn lãi kỷ lục?- Ảnh 1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước của Vietcombank đạt gần 20.835 tỷ đồng tăng 2% so với cùng kỳ, do tiết giảm chi phí hoạt động cùng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. 

Kết quả này giúp Vietcombank tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng về lợi nhuận quý II cũng như trong 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong nửa đầu năm được ghi nhân bởi nhà băng này.

Đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,905 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo tài chính gồm huy động và tín dụng lại ghi nhận diễn biến trái chiều. Trong khi tín dụng đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 8%, chỉ tiêu huy động của Vietcombank lại giảm 2% so với hồi đầu năm đạt hơn 1,37 triệu tỷ đồng.

Số dư nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 16.446 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối năm 2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 75%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 17,4% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 28%.

Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%.

Năm 2024, Vietcombank đặt chiến lược kinh doanh thận trọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ tăng gần 5% so với năm 2023, đạt 42.000 tỷ đồng. Do đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã hoàn thành 50% chỉ tiêu đề ra.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm