Ngày 29-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND huyện Kon Plông nói địa phương này mong muốn cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận chính thức nguyên nhân gây ra động đất để có giải pháp ứng phó.
Chờ kết luận chính thức nguyên nhân động đất
Theo vị này, việc nghiên cứu, kết luận nguyên nhân động đất thuộc thẩm quyền của Viện Vật lý địa cầu.
Chính quyền địa phương không có chuyên gia và cũng không có chức năng kết luận.
Dù hiện tượng động đất liên tục đã xảy ra tại huyện Kon Plông từ năm 2021 và kéo dài tới nay nhưng địa phương vẫn chưa nhận được thông báo nào kết luận nguyên nhân động đất.
Sau những trận động đất liên tục hai hôm nay, chính quyền huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum làm việc với các cơ quan chức năng để có đánh giá nguyên nhân động đất nhằm có giải pháp xử lý.
Trước mắt chính quyền huyện đang phối hợp cùng các bên tổ chức diễn tập cách phòng tránh động đất cho người dân.
Dân lo sạt lở đất, du lịch lo mất khách
Trong khi đó không ít người dân đã có tâm lý hoang mang, lo sợ khi động đất xảy ra dày đặc, cường độ ngày càng mạnh hơn.
Ông A Lang - bí thư chi bộ thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) - nói thôn này có khoảng 70 hộ dân lập nhà sinh sống trên đỉnh núi cao nhất xã.
Những trận động đất lớn hai hôm nay đã làm một số nhà dân nứt tường. Người dân rất sợ động đất lớn vào mùa mưa sẽ làm sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa.
Ông Bùi Viết Hà - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Măng Đen - cho hay tần suất động đất liên tục sẽ làm du khách lo ngại, ảnh hưởng nặng nề tới du lịch Măng Đen.
Do đó người dân và doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng cần sớm làm rõ, kết luận chính xác nguyên nhân xảy ra động đất. Trong trường hợp động đất do yếu tố con người, cần có giải pháp xử lý, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.
Liên quan nhiều hồ thủy điện
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, tại địa bàn hiện có ba hồ thủy điện lớn là: thủy điện Thượng Kon Tum (dung tích trữ 145,5 triệu m3), thủy điện Đăk Đrinh (dung tích trữ 248,5 triệu m3), và thủy điện Đăk Re (dung tích trữ 10,35 triệu m3).
Viện Vật lý địa cầu chịu trách nhiệm phát đi các thông báo động đất, sóng thầnĐỌC NGAY
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Công Đàm - giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum - cho hay trước đây Viện Vật lý địa cầu có đề nghị nhà máy hỗ trợ lắp đặt một số trạm quan trắc để nghiên cứu, theo dõi động đất tại đây.
Theo ông Đàm, trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới có nhiều hồ thủy điện, hồ thủy điện Thượng Kon Tum không phải là hồ lớn nhất và duy nhất. Ông Đàm cho rằng ngoài thủy điện, còn có nhiều hoạt động khác có thể dẫn tới động đất kích thích mà chưa biết được, cần có kết luận của chuyên gia.
Ông Đàm nói tới nay nhà máy chưa nhận được kết luận nào nói nguyên nhân xảy ra động đất thời gian qua là do thủy điện.
Được biết, thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước từ năm 2020 và hoạt động phát điện từ năm 2021. Công trình có thiết kế chống chịu động đất cấp 7.
Động đất kích thích gây ra do hồ chứa
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Anh - viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - xác nhận những trận động đất tại Kon Tum hai hôm nay là động đất kích thích.
Viện Vật lý địa cầu đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá các công trình yếu có nguy cơ ảnh hưởng động đất, có giải pháp với các công trình này. Ngoài ra tiếp tục tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng chống động đất cho người dân.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ. Nhưng từ tháng 4-2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng.
Trong giai đoạn 2021-2022, Viện Vật lý địa cầu đã tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá hoạt động động đất tại đây. Sau đó, cơ quan này nêu nhận định ban đầu động đất tại khu vực là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.