Chiếc máy bay hạng nặng này đêm đó đã chở 239 người. Trong đó 12 người là phi hành đoàn, còn lại là hành khách 14 quốc tịch, riêng Trung Quốc đông nhất với 150 hành khách, kế tiếp là Malaysia 50 người, đặc biệt còn có hai trẻ sơ sinh mới chào đời chưa được bao lâu.
Chuyến bay định mệnh
Cơ trưởng chuyến bay MH370 là Zaharie Amad Shah, 53 tuổi và cơ phó Fariq Abdul Hamid, cùng quốc tịch Malaysia, đều đã có số giờ phi trình cao. Loại máy bay Boeing 777-200ER được xếp hạng an toàn rất tốt.
Còn chiếc máy bay cụ thể của chuyến MH370 mà Hãng Malaysia Airlines sử dụng được xuất xưởng năm 2002, hai động cơ phản lực Rolls-Royce Trent 800, có thể chở 282 hành khách, đã thực hiện phi trình 53.471,6 giờ bay với 7.526 chuyến chưa gặp sự cố.
Nói chung, theo xếp hạng toàn hàng không thì chiếc máy bay này vẫn còn "khá trẻ", đạt điểm an toàn tốt.
Đêm định mệnh của chuyến bay MH370 cũng có thời tiết bình thường và bay trên không phận an toàn không có chiến sự. Tuy nhiên, chuyến bay đã đột ngột mất liên lạc lúc 1h19 ngày 8-3-2014 khi mới có vài chục phút bay ngắn ngủi và đang tiến vào không phận Việt Nam.
Mọi việc đều rất bình thường đến giây cuối cùng khi trạm kiểm soát không lưu cùng cơ trưởng MH370 đã có những lời chào nhau, chúc "đêm tốt lành, ngủ ngon" theo thông lệ liên lạc hàng không
Ngay rạng sáng đó, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200ER khổng lồ cùng 239 con người bị mất tích đã trở thành cuộc huy động tìm kiếm lớn nhất và được chú ý nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Ban đầu diện tích 120.000km2 biển được tập trung tìm kiếm, sau đó mở rộng ra vùng Ấn Độ Dương suốt cả ba năm sau tai nạn.
Ngoài Malaysia, Trung Quốc, Úc, Mỹ, Nhật còn hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng phối hợp tìm dấu vết chiếc máy bay định mệnh. Sau đó, các công ty hàng hải, các nhóm tư nhân, nhà khoa học cũng vào cuộc như Ocean Infinity với nhiều hứa hẹn kết quả cùng số tiền thưởng khổng lồ nhưng dấu vết chiếc máy bay khổng lồ cùng hàng trăm hành khách đến giờ vẫn bặt tăm.
Nhà ngoại cảm bó tay
Mười năm đã trôi qua, thảm kịch hàng không này vẫn là nỗi đau chưa có lời giải. Không ít người phải đặt ra các câu hỏi hàng ngàn nhà ngoại cảm tự xưng (cũng như đã được nhiều người thừa nhận) trên thế giới sao không vào cuộc?
Một trong những khả năng thần bí luôn được chính họ khẳng định là có thể "nhìn thấy, nói chuyện" được với các linh hồn. Vậy tại sao họ không chứng minh năng lực của mình trong thảm kịch khủng khiếp này, không giúp giải mã sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 cùng 239 con người trên đó?
Đặc biệt, hàng trăm nạn nhân tuy chưa tìm thấy dấu vết đang yên nghỉ ở đâu nhưng đều được xác định rõ ràng danh tính, tuổi tác, thân phận, gia đình, nơi chốn ở và làm việc khi còn sống. Những chỉ dấu, những mối dây tương kết này rất cụ thể để các nhà ngoại cảm ra tay. Vậy tại sao họ vẫn im lặng, nếu không muốn nói thẳng là bất lực?
Thật ra, nếu tìm hiểu kỹ lại quá trình 10 năm nỗ lực giải mã thảm kịch của chuyến bay MH370, người ta thấy đã có nhiều nhà ngoại cảm vào cuộc nhưng kết quả hoàn toàn không đi đến đâu.
Ngay giữa tháng 3-2014, nhà ngoại cảm đình đám nhất Malaysia là Ibrahim Mat Zin cùng nhóm bomoh (nhà ngoại cảm) gồm ba người đã mang cả tấm đệm lót mà họ gọi là "thảm thần" cùng giỏ tre, quả dừa và cây gậy "chỉ hướng" đến tận sân bay Kuala Lumpur để "làm phép" tìm chuyến bay mất tích.
Điều gây chú ý là trong lúc nhóm nhà ngoại cảm này đang thực hiện năng lực thần bí thì Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin đã đề nghị bắt giữ họ vì không chấp nhận "trò hề" trước thảm kịch bi thương cũng như làm mất mặt quốc gia.
Còn nhà ngoại cảm Ibrahim thì cho rằng chính sự cản trở này đã ảnh hưởng đến năng lực tìm kiếm của họ bởi nghi lễ thần bí cần làm bảy lần mới có kết quả, trong khi nhóm họ mới thực hiện được hai lần. Sau đó, ông Ibrahim còn khẳng định dù không được tới sân bay hành lễ, họ vẫn sẽ "làm phép" ở nơi khác để cố gắng tìm kiếm 239 nạn nhân xấu số...
Tuy nhiên, kết quả đến giờ, tức 10 năm đã trôi qua, vẫn là con số 0 đối với nhóm nhà ngoại cảm từng đình đám trên nhiều trang báo Malaysia.
Đặc biệt, ngoài nhóm ông Ibrahim còn nhiều nhà ngoại cảm khác trên thế giới cũng ra tay nhưng vẫn thất bại. Trong đó nhà ngoại cảm nổi tiếng người Uzbekistan là ông Abror Usmanov quả quyết chiếc máy bay Boeing 777 khổng lồ đã bị bắt cóc và rơi xuống sa mạc.
Còn nhà ngoại cảm cũng người Uzbekistan là Gulnoza Shomahmudova thì nói cụ thể hơn: "Rất nhiều cát như sa mạc, có lẽ là hòn đảo nhỏ. Máy bay lao xuống bị vỡ phần mũi, không còn người nào sống sót. Đó là nơi nào đó giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, ở đó có hòn đảo cát, sẽ tìm thấy những mảnh vỡ... Đó không phải hành động khủng bố, mà có vấn đề trong kỹ thuật máy bay".
Riêng những nhà ngoại cảm người Việt trong nước và nước ngoài tuy kín tiếng trước thảm kịch này nhưng được biết một số người cũng cố gắng tìm kiếm bằng khả năng "kết nối" với các linh hồn nạn nhân mà vẫn không có kết quả hay ít ra là không thể công bố những chỉ dấu khả tín để thực hiện tìm kiếm.
Nhiều người vẫn tin rằng những hồn ma người chết oan ức (không chịu tin mình phải chết) thường rất linh thiêng, vậy tại sao các nhà ngoại cảm trên khắp thế giới vẫn bó tay?
Các trang mạng Trung Quốc còn kể trước sự tuyệt vọng trong nỗ lực tìm kiếm bằng vệ tinh, máy bay, tàu biển của chính quyền các quốc gia, người nhà các nạn nhân đã phải nhờ cậy đến bà đồng, ông bói và rồi bí ẩn đến nay vẫn là bí ẩn chìm trong màn đen...
Cuộc tranh luận tin hay không tin vẫn bất tận
Thật ra hàng trăm năm qua, từ buổi bình minh khoa học đến thời kỳ phát triển mạnh mẽ của khoa học lượng tử và trí tuệ nhân tạo hiện nay, chủ đề linh hồn hay khả năng kết nối giữa người sống với linh hồn người đã khuất, hiểu nôm na là nhìn thấy và nói chuyện được với hồn ma, vẫn luôn là những cuộc tranh luận bất tận.
Trong khi phe tin hồn ma có thể kể ra vô vàn câu chuyện trải nghiệm (hay nghe kể lại) một cách vô cùng sống động kiểu "chính mắt tôi thấy, chính mẹ tôi kể chuyện hoàn toàn có thật", thì phe không tin gồm các nhà khoa học đã phản biện bằng thực nghiệm khoa học. Họ đã đặt ra hàng ngàn câu hỏi thử thách cho cả nhà ngoại cảm và hầu hết đều không cho kết quả khả tín.
Năm 2017, Đại học Chapman (California, Mỹ) thực hiện cuộc khảo sát cho thấy 52% người Mỹ tin linh hồn ẩn trú ở các nơi chốn và con người có thể thấy hồn ma, tỉ lệ tin này tăng thêm 11% kể từ năm 2015.
Một nhóm nhà khoa học gồm TS Giulio Rognini cùng đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa liên bang Lausane (EPFL), Thụy Sĩ cũng thực hiện cuộc nghiên cứu não có cảm giác về sự hiện diện vô hình của "ai đó" siêu nhiên bên mình trong khi thực ra họ chỉ có một mình, một hiện tượng mà nhiều người cho rằng thấy ma. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu từ Thụy Sĩ khẳng định cũng có thể tạo được cảm giác này ở... phòng thí nghiệm.
Theo TS Giulio Rognini, những người thấy hồn ma thường hay trải qua những tình huống đặc biệt như các nhà leo núi, nhà thám hiểm hoặc những người bị bệnh lý... tâm thần. Họ hay tự lo lắng, bất an vì cho rằng có thế lực bí ẩn vô hình đi theo mình và nhiều người đã... đối thoại được với họ.
Tuy nhiên, cho đến nay đây chỉ là một trong hàng ngàn cuộc nghiên cứu khác nhau ở khắp nơi trên giới. Các kết quả thu được mang tính cục bộ và vẫn chưa nhà khoa học nào dám khẳng định điều gì mang tính "tối thượng". Thậm chí ngay trong giới khoa học cũng có nhiều người tin vào linh hồn ở hình thức này hay hình thức khác.
Nhưng có một điều mà cả hai phe tin hay không tin đều cùng chắc chắn rằng hành trình nhân loại đi tìm linh hồn có thật hay không và những câu hỏi với linh hồn vẫn còn tiếp tục rất lâu, rất lâu nữa...
Theo như niềm tin của chính các nhà ngoại cảm, 239 nạn nhân trên chuyến bay MH370 chính là 239 linh hồn linh thiêng. Vậy tại sao các nhà ngoại cảm với năng lực siêu nhiên mà họ luôn tự khẳng định, đã không thể kết nối được với các linh hồn này để giúp tìm kiếm nơi máy bay bị rơi?
Ngoài ra còn rất nhiều vụ tương tự nhưng họ cũng chỉ im lặng...