Nghiên cứu do nhóm các nhà sinh thái học và khoa học khí hậu từ ĐH Birmingham (Anh) thực hiện. Họ đã tìm hiểu quá trình trao đổi khí metan ở cây phát triển trên vùng đất thoát nước tốt, bao gồm hầu hết các khu rừng trên thế giới.
Nhóm đã đo quá trình trao đổi khí metan trên hàng trăm thân cây trong các khu rừng trải dài giữa Amazon và Panama, xuyên qua Thụy Điển và gần thành phố Oxford, Anh. Họ ngạc nhiên khi phát hiện cây hấp thụ khí metan từ khí quyển và quá trình loại bỏ khí metan này diễn ra càng mạnh hơn khi đi lên phần thân cây càng cao hơn, theo trang ScienceAlert ngày 25-7.
Sau đó, nhóm dùng công nghệ quét laser mặt đất để tính diện tích vỏ cây trên toàn cầu, tính đến từng cành nhánh nhỏ nhất. Nhóm phát hiện nếu trải phẳng, diện tích vỏ cây sẽ bao trùm toàn bộ bề mặt Trái đất, tức đây là một bề mặt cực lớn để hấp thụ khí nhà kính.
Nhóm ước tính mỗi năm cây cối có thể hấp thụ khoảng 25 - 50 triệu tấn khí metan trong khí quyển, hầu hết là nhờ vào các khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên diện tích rừng đang thu hẹp do nạn phá rừng - một thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến lượng metan trong khí quyển.
Việc khử carbon trong hệ thống năng lượng và kinh tế toàn cầu là con đường trọng yếu để giải quyết biến đổi khí hậu, song việc hấp thụ metan của vỏ cây cũng mở ra một cách tiếp cận khác về giải pháp khí hậu dựa vào thiên nhiên.
Metan đóng góp khoảng 1/3 sự ấm lên toàn cầu quan sát được kể từ thời tiền công nghiệp. 20 năm qua, nồng độ khí metan trong khí quyển đã tăng lên nhanh chóng. Đây là vấn đề đối với khí hậu Trái đất vì khí metan giữ nhiệt nhiều hơn trong khí quyển so với lượng CO2 tương đương, song CO2 có thể tồn tại hàng trăm năm trong khí quyển, trong khi metan chỉ khoảng 10 năm.
Việc có "tuổi thọ" ngắn này có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi nào đối với nguồn khí metan hay sự loại bỏ khí metan khỏi khí quyển đều có tác động nhanh chóng. Nếu quá trình loại bỏ được tăng cường, đây có thể là một chiến thắng về khí hậu giúp giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.