Bàn về câu chuyện thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh tại Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều rào cản.
Theo ông, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chính, chiếm đại đa số trong tổng số doanh nghiệp, vì vậy nếu không thúc đẩy được nhóm này đổi mới sáng tạo để phát triển xanh thì sẽ rất khó đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Phó Viện trưởng CIEM đánh giá ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm,...
Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Mặc dù được quan tâm nhưng hoạt động đổi mới sáng tạo xanh còn khá hạn chế, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường.
Chi phí vốn xanh ngày càng rẻ đi
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ cho rằng xu hướng chung của thế giới, dòng vốn xanh ngày càng có chi phí rẻ hơn. Các bạn trẻ khởi nghiệp và các nhà sáng lập doanh nghiệp Việt rất thông minh, họ có thể tìm đến các nguồn vốn này để tận dụng thời cơ phát triển.
Ngược lại, việc các doanh nghiệp được hưởng lãi suất thấp hơn khi chuyển đổi xanh cũng là một điểm hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia vào đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Thứ hai, là càng ngày càng doanh nghiệp cả quốc tế và trong nước đều quan tâm đến phát triển xanh, khi các khách hàng có nhu cầu chuyển đổi xanh thì bắt buộc các nhà cung cấp cũng phải chuyển đổi. Các doanh nghiệp lớn khi muốn chuyển đổi xanh họ sẽ hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ hơn để cung cấp các sản phẩm dịch vụ, mô hình theo tiêu chí này.
"Các doanh nghiệp lớn sẽ lan toả mục tiêu cũng như việc thực hiện chuyển đổi xanh đến các doanh nghiệp nhỏ từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo xanh", ông Dũng cho hay.
Gỡ rào cản cả tài chính và phi tài chính
TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế (CIEM) cũng cho rằng, phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có.
“Do hàm lượng công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào, áp dụng quy trình tuần hoàn. Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều”, bà Luyến nói.
Chỉ ra hai nhóm giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện để thúc đẩy xu hướng này trong cộng đồng doanh nghiệp, đại diện ban nghiên cứuthể chế kinh tế CIEM cho biết, thời gian qua Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước,...
Tuy nhiên, CIEM đánh giá hệ thống giải pháp, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.
Với nhóm phi tài chính, những chính sách hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông, quảng bá, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cũng chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Những chính sách về thuế, phí là loại hình mà doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất có thể tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, vốn vẫn là vấn đề mà doanh nghiệp quan ngại, phải phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh bởi hiện nay nguồn tài chính thực hiện đổi mới sáng tạo chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp; tiếp đến là nguồn vốn vay, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ vốn từ Nhà nước khá hạn chế.