Các nhà khảo cổ mới đây phát hiện một miếng đất sét khắc một trong những hóa đơn mua hàng lâu đời nhất thế giới ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Được viết bằng chữ hình nêm, miếng đất sét có niên đại từ thế kỷ 15 trước Công nguyên, tức khoảng 3.500 tuổi, và ghi lại việc mua số lượng lớn đồ gỗ nội thất, theo trang IFLScience ngày 23-7.
Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ersoy cho biết nhóm nghiên cứu đã phát hiện di tích đáng chú ý này ở khu vực Eski Alalah của tỉnh miền nam Hatay. Còn được gọi là Đồi Accana, địa điểm cổ xưa này tọa lạc tại thành phố cổ Alalah, nơi công nhân đến dọn dẹp sau một trận động đất và tình cờ tìm thấy "hóa đơn đất sét" này.
Chữ hình nêm là hệ thống chữ viết lâu đời nhất trên thế giới, phát triển cách đây khoảng 5.500 năm và được sử dụng khắp vùng Lưỡng Hà cổ đại trong khoảng 3.000 năm. Các văn bản khắc trên nền đất sét từng được các nền văn hóa như Babylon, Assyria và Sumer sử dụng, mỗi nền văn hóa có ngôn ngữ riêng.
Theo Bộ trưởng Ersoy, hóa đơn mới phát hiện dường như được viết bằng tiếng Akkad - là một ngôn ngữ thuộc hệ thống chữ viết hình nêm từng được người vùng Lưỡng Hà cổ đại sử dụng.
Đế chế Akkad tồn tại trong hơn 1 thế kỷ, có thủ đô tại một địa điểm không xác định dọc theo bờ sông Euphrates và phương ngữ hiện đã không còn dùng đến của nó là ngôn ngữ cổ nhất trong số các ngôn ngữ Semit - bao gồm tiếng Do Thái và Ả Rập.
Hiện các nhà ngôn ngữ học đang giải mã văn bản nói trên. Những dòng đầu tiên trong văn bản ghi lại việc mua bán số lượng lớn ghế, bàn và ghế đẩu cùng với danh tính người mua và người bán.
"Chúng tôi tin miếng đất sét này, nặng 28g, sẽ cung cấp một góc nhìn mới để hiểu thêm về cấu trúc kinh tế và hệ thống nhà nước của Thời đại đồ đồng muộn", Bộ trưởng Ersoy cho biết.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu từng tìm thấy một miếng đất sét ghi lại lời phàn nàn của một khách hàng do không hài lòng với chất lượng đồng mà ông ta đã mua.
Theo IFLScience, các học giả thường phải vật lộn để giải mã thông điệp trong các văn tự cổ, song nhiệm vụ diễn giải từng chữ hình nêm có thể trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ sự phát triển của một hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng dịch tiếng Akkad và các ngôn ngữ khác với độ chính xác 97%. Dù vậy, việc đọc hiểu từng dòng vẫn còn là một thách thức.