Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được trong mẫu thu thập được từ Mặt trăng của tàu vũ trụ Hằng Nga 5 có một loại khoáng chất chứa đầy nước dưới cấu trúc phân tử.
Phát hiện này trở nên ấn tượng do ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra sự tồn tại của nước hoặc băng nước trên bề mặt Mặt trăng, nhưng phần lớn khả năng nước ở dưới dạng nhóm hydroxyl.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy.
Theo đó, các nhà khoa học từ Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đứng đầu đã phát hiện ra một khoáng chất ngậm nước có chứa tới sáu phân tử nước kết tinh. Các phân tử nước được tìm thấy nặng tới khoảng 41% tổng khối lượng mẫu.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này đánh dấu sự phát hiện trực tiếp đầu tiên về nước phân tử bên trong lớp vỏ, từ đó làm sáng tỏ dạng thực tế của các phân tử nước và ammonium trên bề mặt Mặt trăng.
Cấu trúc và thành phần của khoáng chất này rất giống với khoáng chất được tìm thấy gần các núi lửa trên Trái đất. Ngoài ra, theo nghiên cứu, ô nhiễm trên mặt đất hoặc khí thải tên lửa đều không phải là nguồn gốc của loại hydrat này.
Phát hiện này cũng đã tiết lộ về một dạng tiềm năng, trong đó các phân tử nước có thể tồn tại trên bề mặt Mặt trăng: đó chính là muối ngậm nước. Không giống như băng nước dễ bay hơi, những hydrat này rất ổn định ở những vùng có vĩ độ cao trên Mặt trăng, ngay cả ở những vùng có ánh nắng Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh phát hiện này mở ra những khả năng mới cho việc phát triển và sử dụng tài nguyên nước trên Mặt trăng trong tương lai. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên sẽ đặt nền móng cho việc thiết lập trạm Mặt trăng dài hạn.