Chứng khoán

Cựu Chủ tịch FLC khai không có mục đích chiếm tiền của nhà đầu tư

Hơn 11h ngày 23/7, ông Trịnh Văn Quyết được đưa trở lại phòng xét xử sau thời gian bị cách ly với 49 người còn lại. Phần xét hỏi bị cáo này ngắn gọn nhất trong 50 bị cáo, khoảng 7 phút.

Cựu Chủ tịch FLC mỗi lần nghe câu hỏi đều suy nghĩ 5-10 giây, chỉnh lại micro rồi mới trả lời. Trong toàn bộ lời khai, bị cáo 49 tuổi hơn 10 lần nói "không nhớ, nhưng tôn trọng mô tả về hành vi của bị cáo nêu trong cáo trạng".

Cựu chủ tịch FLC được dẫn giải tới tòa sáng nay, khi trời mưa lớn. Ảnh: Ngọc Thành.

Trước câu hỏi "chỉ đạo ai mua Công ty Green Belt rồi đổi tên thành Faros", ông Quyết ban đầu nói không nhớ rõ, sau mới nói chỉ đạo Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Doãn Văn Phương (đang bỏ trốn). "Những gì nêu trong cáo trạng là đúng", bị cáo Quyết đáp khi bị chủ tọa truy vấn về quá trình khống vốn Faros từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch FLC bị VKSND Tối cao truy tố hai tội danh, trong đó có cáo buộc nâng khống vốn Faros, niêm yết lên sàn và bán chứng khoán ảo giá, gây thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng. Nghe HĐXX diễn giải về sai phạm này, bị cáo Quyết lặp lại quan điểm "nhìn chung không nhớ, cáo trạng mô tả đúng".

"Thôi được, về hành vi, bị cáo đã thừa nhận; còn mục đích khi làm những việc này là gì?", HĐXX hỏi. Ông Quyết suy nghĩ chừng 5 giây rồi hai lần đề nghị tòa nhắc lại câu hỏi.

"Mục đích nâng khống vốn rồi bán cổ phiếu, có phải để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư không?", chủ tọa hỏi. Cựu Chủ tịch FLC đáp nhanh: "Bị cáo chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư".

"Vậy mục đích của bị cáo làm gì?", chủ tọa truy. Không trả lời trực diện, bị cáo Quyết kể lại kỳ vọng của mình với Faros, nói luôn mong muốn có công ty xây dựng để chủ động trong hoạt động xây dựng của cả Tập đoàn FLC.

"Nếu làm tốt hơn nữa thì làm dự án ngoài hệ thống tập đoàn. Thực tế đến thời điểm bị cáo bị bắt thì bị cáo đã thực hiện được ý tưởng đó...", cựu Chủ tịch FLC đang trình bày thì bị tòa yêu cầu dừng lại, tránh nói lan man.

 

Về số tiền thu lợi từ hai hành vi, bị cáo khai: "Có tiền về tài khoản, nhưng bao nhiêu thì không nhớ. Cáo trạng viết thế nào thì đúng như thế". Tất cả câu hỏi sau đó của HĐXX đều được ông Quyết đáp dạng này.

Cựu Chủ tịch FLC không có ý kiến về hai tội bị truy tố Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Thao túng thị trường chứng khoán. "Cáo trạng truy tố thế nào chấp nhận thế, do HĐXX phán quyết", bị cáo 49 tuổi nói.

Do bị cách ly trong toàn bộ thời gian 49 bị cáo còn lại trả lời xét hỏi, chủ tọa cũng nhắc lại nội dung trước đó được khai báo cho bị cáo này biết. Theo đó, hai "nữ tướng" của ông Quyết tại FLC gồm em gái Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng giám đốc FLC Hương Trần Kiều Dung và các cựu lãnh đạo công ty BOS, Faros, đều khai làm theo sự chỉ đạo của ông Quyết về việc nâng khống giá trị vốn của Faros và bán cổ phiếu ra thị trường để hưởng lợi.

Em gái: Chỉ làm theo chỉ đạo của anh Quyết

Ít phút trước khi anh trả lời, em gái út Trịnh Thị Minh Huế, người cũng bị cách ly, dù luôn thừa nhận hành vi bị cáo buộc nhưng đều nói "do anh Quyết chỉ đạo".

"Bị cáo rất ăn năn hối hận, mong được giảm nhẹ hình phạt vì chỉ làm theo chỉ đạo của anh và không được lợi gì", bà Huế nói khi bắt đầu trả lời thẩm vấn.

Trước cáo buộc nâng khống vốn công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán, bà Huế khai do anh chỉ đạo nên mới soạn hồ sơ, nộp và rút tiền ngân hàng, đi lấy giấy tờ, chứng minh của người thân quen.

Em gái út ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, rời tòa sau phiên xử chiều 22/7. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo bà Huế, ông Quyết đưa danh sách nhiều người, trong đó đánh dấu mỗi người bao nhiêu cổ phần. Bà Huế đánh máy lại nội dung này, phía trên ghi là "cổ đông của công ty Faros", rồi đưa lại cho anh.

Sau khi đã niêm yết Faros trên sàn chứng khoán, khi nào ông Quyết gọi hoặc nhắn tin thì sẽ đặt các lệnh mua hoặc bán.

"Số tiền từ việc bán cổ phiếu ROS, anh Quyết bảo gì thì bị cáo làm theo đó, chứ không được hưởng lợi gì", bà Huế khai. Chủ tọa hỏi lại: "Có đúng thế không". Bà đáp: "Đúng".

Về việc mượn chứng minh thư của những người thân quen, bà Huế nói do ông Quyết chỉ đạo, rồi về báo lại số tài khoản chứng khoán đã mở.

Theo cáo trạng, bà Huế đã mượn 45 chứng minh thư của người thân quen, nhân viên trong hệ sinh thái FLC để lập 20 công ty, mở 500 tài khoản chứng khoán. Từ đây, việc đặt lệnh mua bán cổ phiếu từ những tài khoản này được bà Huế làm theo chỉ đạo của ông Quyết.

"Vào đầu ngày anh Quyết sẽ chọn sẵn các số tài khoản giao dịch, thường hơn 10 tài khoản nhưng cũng có khi chỉ 3-4. Trong phiên giao dịch, anh Quyết liên tục chỉ đạo đặt lệnh mua bán. Bị cáo làm theo ngay", bà Huế khai. Trong trường hợp các tài khoản chứng khoán chưa có tiền, bà Huế sẽ gọi Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS.

Bị cáo Lê Thành Vinh, cựu chủ tịch Faros, được dẫn giải tới tòa, sáng 23/7. Ảnh: Ngọc Thành.

VKS cáo buộc ông Quyết thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái. Trong đó có Faros, là công ty dược ông mua lại năm 2011, vốn ban đầu 1,5 tỷ.

Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền, dùng chứng từ góp vốn giả để nâng khống vốn. Kết quả sau 2 năm, 2014-2016, Faros có 4.300 tỷ vốn điều lệ, song hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".

Ông Quyết tiếp tục chỉ đạo để Faros "vượt" qua ba vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết cũng chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC, dùng 500 tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè họ hàng, để mua đi bán lại số lượng lớn, tạo cung cầu ảo, chi phối thị trường. Song tất cả giao dịch đều được thực hiện bằng tiền cấp khống bởi BOS - công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái FLC.

Sau 5 năm "tạo sóng", úp sọt hơn 60.000 nhà đầu tư, ông Quyết bị cáo buộc thu lợi hơn 700 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm