Chỉ số của sàn HoSE mở cửa tăng điểm nhẹ rồi nhanh chóng giằng co khi thanh khoản mỏng, lực cầu không nhiều mà chủ yếu tham gia với tâm lý thăm dò. Sau 10h, thị trường bị nhuộm đỏ nhưng biên độ khá nông vì lực bán không mạnh, giao dịch trầm lắng.
Sang buổi chiều, thanh khoản có dấu hiệu cải thiện nhưng bên bán chiếm ưu thế hơn hẳn. Khoảng sau 14h, chỉ số đại diện sàn HoSE giảm mạnh hơn, lần lượt rời khỏi các mốc quan trọng 1.250 - 1.240 điểm và có lúc về sát 1.230 điểm. Thị trường có cú giằng co nhẹ trước khi bước vào phiên ATC.
VN-Index đóng cửa giảm gần 23 điểm, về khoảng 1.231,8 điểm. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất trong gần một tháng qua. Toàn sàn HoSE có đến 373 cổ phiếu giảm giá, trong khi chỉ ghi nhận 83 mã tăng.
Một số cổ phiếu giảm về giá sàn nổi bật là DGW, DBC, VTP, CSV và DPG. Trừ công nghệ và công nghiệp với đại diện là FPT và VOS, tất cả nhóm cổ phiếu còn lại đều có chỉ số ngành đi lùi.
Sắc đỏ cũng bao trùm rổ VN30 với 24 cổ phiếu giảm, đẩy chỉ số đại diện sụt hơn 20 điểm trong hôm nay. Tương tự, HNX-Index giảm gần 4 điểm và chỉ số sàn UPCoM điều chỉnh hơn 1 điểm.
Với vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn, dòng tiền giao dịch cao, ngân hàng là một trong những ngành chính làm VN-Index chao đảo. MBB là cổ phiếu mất giá nhất trong nhóm có thanh khoản cao, khi giảm 5,2%. Các mã TPB, CTG, STB, ACB, BID và MSB cũng giảm mạnh từ 3-4,6%. Ngành này góp 6 đại diện vào nhóm 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường, lần lượt gồm BID, MBB, CTG, ACB, VPB và TCB.
Bảng điện bất động sản cũng có nhiều sắc đỏ. Trong nhóm có thanh khoản lớn, HDG giảm mạnh nhất 5,7% và theo sau là TCH với 4,4%. Các mã còn lại như DIG, DXG, IDC, PDR đều giảm trên 2%.
Điểm sáng trong phiên điều chỉnh hôm nay là thanh khoản không quá cao, chỉ hơn 18.000 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với hôm qua. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng khoảng 123 tỷ đồng. Nhưng đây vẫn là mức thấp thứ nhì trong tháng này.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến chứng khoán trượt điểm mạnh và lực cầu chưa có sự tham gia cho thấy dòng tiền còn đang chủ động đứng ngoài theo dõi trong bối cảnh chưa có tín hiệu ổn định trở lại.
Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng đối với những mã yếu, hạn chế giải ngân mua mới và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu xác nhận đảo chiều từ thị trường.