Chứng khoán

Cổ phiếu QCG có biến sau khi ông Cường "Đô La" thay mẹ ngồi “ghế nóng” Quốc Cường Gia Lai

Sau chuỗi giảm sàn liên tục với thanh khoản cạn kiệt, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vừa có màn bứt phá đầy ấn tượng. Đóng cửa phiên 29/7, cổ phiếu này bất ngờ tăng hết biên độ lên mức giá 6.770 đồng/cp (+6,95%), ngắt chuỗi 6 phiên giảm sàn liên tiếp. Dòng tiền ồ ạt, chảy mạnh vào "giải cứu" cổ phiếu QCG khiến thanh khoản cũng tăng đột biến với 7,5 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 18 tháng (kể từ phiên 20/1/2022).

Dù hồi phục đôi chút, song thị giá QCG vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây. Vốn hóa thị trường đạt 1.862 tỷ đồng, "bay hơi" tới 62% chỉ sau 3 tháng kể từ đỉnh ngắn hạn hồi tháng 4 vừa qua.

Cổ phiếu QCG có biến sau khi ông Cường 'Đô La' thay mẹ ngồi “ghế nóng” Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 1.

Cổ phiếu QCG chứng kiến nhiều biến động sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc công ty bị khởi tố và tạm giam hôm 19/7 để phục vụ điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Thay vào đó, doanh nghiệp này đã bổ nhiệm Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Cường (biệt danh "Cường Đô la", sinh năm 1982) chính thức giữ vai trò người đại diện theo pháp luật của công ty, thay thế cho mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan.

Ngoài việc thay mẹ trong vai trò người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường còn được đề cử bầu vào HĐQT quan trị công ty. Việc bổ nhiệm sẽ được cổ đông xem xét tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 30/7 tới đây.

Hiện ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG (tương đương 0,2% vốn), vợ là Đàm Thu Trang không sở hữu cổ phiếu nào. Tuy nhiên, hiện các thành viên trong gia đình doanh nhân này đang sở hữu xấp xỉ 60% vốn công ty này.

Trở lại với việc bà Loan bị khởi tố, được biết bà Loan bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM. Sự việc diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (rộng hơn 6.000m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước).

Đại diện Quốc Cường Gia Lai cho biết vụ việc trên vẫn đang trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Thị Như Loan đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan. Sự việc trên chỉ liên quan đến dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM mà công ty đã nhận chuyển nhượng từ 2 công ty tư nhân và chuyển nhượng hoàn tất cho đối tác từ năm 2014 như thông tin chính thức Quốc Cường Gia Lai đã có phản hồi đến Quý cổ đông, Cơ quan truyền thông vào ngày 30/5/2024 vừa qua.

"Vụ việc trên không làm thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Công ty QCGL. Các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của quý khách hàng, cổ đông, đối tác đang có giao dịch, hợp tác với công ty vẫn được đảm bảo. Hiện tại Công ty vẫn hoạt động bình thường. Các hoạt động kinh doanh và giao dịch với đối tác vẫn đang được thực hiện", công ty nêu rõ trong văn bản.

Quốc Cường Gia Lai cam kết sẽ nỗ lực tối đa để ổn định mọi hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp đối với Khách hàng, Cổ đông, Đối tác,… Công ty rất mong nhận được sự chia sẻ và đồng hành từ Khách Hàng, Cổ đông, Đối tác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm