Theo New Scientist, trong quá trình thám hiểm Neretva Vallis, một thung lũng sông cổ trên sao Hỏa ngày 21-7, xe tự hành Perseverance đã bắt gặp tảng đá trên, được đặt tên là Cheyava Falls, theo tên một thác nước ở Hẻm núi lớn (Grand Canyon) thuộc bang Arizona, Mỹ.
Cheyava Falls có kích thước khoảng 1m x 0.6m, trên bề mặt có các đường vân mỏng chứa canxi sulfat. Theo các nhà khoa học, những đường vân này có thể được hình thành khi nước chảy qua các vết nứt và đọng lại khoáng chất trong tảng đá.
Các nhà khoa học tìm thấy giữa các vết nứt màu trắng là những đốm lạ có màu sáng. Mỗi đốm chỉ rộng vài mm và được bao phủ bởi loại vật liệu tối màu chứa sắt và phốt phát.
Trong một thông cáo báo chí, nhà địa chất thực địa David Flannery thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Úc) cho biết sự tồn tại của những đốm này trên sao Hỏa là một bất ngờ lớn.
"Trên Trái đất, những đặc điểm như vậy trong đá thường liên quan đến hồ sơ hóa thạch của vi khuẩn sống dưới bề mặt", ông nói.
Nói một cách cụ thể hơn, loại phản ứng hóa học tạo ra những đốm có hình dạng như trên có vai trò cung cấp sự sống cho các loại vi khuẩn.
Tại khu vực tìm thấy tảng đá, Perseverance còn phát hiện một số hợp chất hữu cơ khác được coi là giai đoạn sơ khởi của quá trình tiến hóa sự sống.
Những phát hiện trên có thể là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của các loài vi khuẩn đã biến mất trên sao Hỏa, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.
“Cũng có thể đây chỉ là dấu hiệu của đá ướt đang trải qua quá trình biến đổi hóa học”, Phó giáo sư Paul Byrne của Đại học Washington (bang Missouri, Mỹ) nhận định.
Bên cạnh đó, việc xác định chắc chắn các dấu hiệu của sự sống cổ đại trên sao Hỏa thông qua tảng đá Cheyava Falls là điều không hề dễ dàng.
“Chúng tôi đã tiến hành chiếu tia laser và tia X vào tảng đá, sau đó chụp ảnh nó ở mọi góc độ từ sáng đến tối. Về mặt khoa học, xe tự hành Perseverance khó có thể cung cấp thêm các manh mối khác về tảng đá này”, giáo sư địa hóa học Ken Farley tại Viện Công nghệ California chia sẻ.