Cơn tăng giá chưa dừng lại
10/4 là ngày thứ 3 liên tiếp giá vàng tăng sốc, đặc biệt là vàng nhẫn. Vào lúc 16h30, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,98- 78,58 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng; Tập đoàn Doji niêm yết giá 76,8 - 78,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau 3 ngày lên cơn “sốt”, vàng nhẫn tăng hơn 5 triệu đồng/lượng. Còn vàng miếng SJC tuy chững lại nhưng vẫn neo ở mức giá cao 82,4 - 84,4 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra.
Giá vàng nhảy múa không ngừng ngoài việc ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới tăng còn có tâm lý đám đông đổ xô mua bán. Các thương hiệu kinh doanh vàng lớn đều cho biết, giao dịch vàng miếng, đặc biệt là vàng nhẫn trơn tăng mạnh. Những ngày qua, vàng nhẫn trở nên khan hiếm và chênh lệch giá mua bán vàng bị đẩy lên cao từ 1,5 triệu đồng/lượng lên hơn 2 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy nhu cầu đang tăng. Chính vì vậy, các công ty kinh doanh vàng theo xu hướng tăng, đẩy giá bán tăng mạnh, đồng thời nâng chênh lệch giá mua bán. Điều quan trọng hơn, với xu hướng giá vàng đang tăng, có thể xảy ra tình trạng các công ty kinh doanh vàng bạc không muốn bán vàng ra thị trường mà sẽ găm giữ phần nào nên càng tạo sự khan hiếm hơn.
Nhiều thương hiệu lớn như Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... ngày 10/4 hạn chế số lượng mua tối đa 2-5 chỉ mỗi người. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cửa hàng vàng lớn ở đường Cầu Giấy và “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng khách đến giao dịch tăng mạnh. Thậm chí, tại nhiều cửa hàng, khách xếp thành hàng dài, nhiều khách đến bán vàng để chốt lời khi giá vàng không ngừng lên đỉnh.
Là dân chuyên lướt sóng vàng, chị Thu Hoài (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đã mua 15 cây vàng nhẫn cách đây 3 ngày với giá mua vào 74 triệu đồng/lượng và chốt lời lãi hơn 45 triệu đồng. “Sóng vàng tăng nhanh sẽ xuống rất nhanh. Kinh nghiệm tôi chỉ chốt lãi sau 3 ngày”, chị Hoài nói.
Thế nhưng, không ít khách đến mua vào. Anh Khánh Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội) mua 1 lúc 10 cây vàng nhẫn nhưng nhận được giấy hẹn sau 2 tuần mới lấy được vàng. “Nếu giá tiếp tục tăng cao tôi có thể bán giấy này ngay không cần chờ phải lấy vàng”, anh Hưng nói.
Còn chị Nguyễn Hoa (Đống Đa, Hà Nội) mua 8 cây vàng miếng SJC cho hay: “Tôi mua vàng tích trữ vì giờ tiền mất giá quá, gửi tiết kiệm không đáng bao nhiêu”.
Can thiệp hạ giá vàng!
Sáng 10/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 2.354 USD/ounce. Giá vàng thế giới đã tăng liên tục trong 7 phiên liên tiếp, dù đã tăng “nóng” thời gian qua.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, đang có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng thế giới tăng mạnh. Không chỉ là các kênh đầu tư khác đang rủi ro như chứng khoán quốc tế giảm nhiều phiên mà xung đột căng thẳng ở khu vực Trung Đông gia tăng và nhu cầu mua vào của ngân hàng trung ương các nước cũng tăng.
“Ngay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ giữa năm nay, dù đã được phản ánh vào giá nhưng thực tế đó vẫn hỗ trợ giá vàng tăng. Có lẽ phải đến khi Fed chính thức hạ lãi suất, giá vàng mới hạ nhiệt”, ông Khánh dự báo.
TS Nguyễn Đức Độ, Viện Phó Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, có 4 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước biến động mạnh trong 3 ngày hôm nay. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Thứ hai, nhu cầu mua vàng theo tâm lý đám đông. Thứ 3, nguồn cung vàng khan hiếm bởi hơn 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng. Thứ 4, có thể việc khan hiếm vàng và nhu cầu tăng cao nên một số doanh nghiệp đẩy giá lên.
Theo ông Độ, muốn hạ giá vàng trong nước bằng với giá vàng thế giới không có cách nào khác là nhập khẩu vàng. Khi nhập vàng, thanh khoản sẽ cao, thị trường sôi động và người dân đổ tiền vào thị trường vàng nhiều hơn. Thế nhưng nền kinh tế đang thiếu vốn, nếu tiền đổ vào vàng nhiều sẽ không được đầu tư vào sản xuất. Thị trường vàng mang tính chất đầu cơ không tạo ra giá trị. Việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng không lớn. Vì vậy, việc nhập vàng chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Người dân mua với giá cao thì bán với giá cao, mua thấp, bán thấp chứ không phải là đối tượng hưởng lợi lớn nhất.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc cho nhập một ít vàng để kéo giá vàng xuống và giảm mức chênh lệch với giá vàng thế giới nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường. Giá vàng hiện nay đang vào sóng đầu cơ và rất khó kiểm soát”, ông Độ nói.
Tuy nhiên, ông Độ cho rằng, giá vàng tăng sẽ có chu kỳ và việc tăng này chỉ ngắn hạn. Chỉ trong vòng 2 năm nay, nhà đầu tư vàng mới lãi. Trước đó, mua vàng không thể lãi như các kênh đầu tư khác, thậm chí lỗ.
Theo ông Độ, giá vàng trong nước tăng cao là câu chuyện khó về điều hành của Ngân hàng Nhà nước. “Muốn giá vàng hạ nhiệt chỉ còn cách nhập vàng nhưng khi nhập sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc làm sao ổn định giá vàng nhưng cũng không để người dân đổ xô mua vàng dẫn đến vàng hoá nền kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng”, ông Độ nói.
Hiện, giá vàng miếng SJC chênh lệch với thế giới quanh mức 12,5 triệu đồng/ lượng. Trong khi đó, nhẫn trơn tùy thương hiệu, cao hơn từ 4 đến 7 triệu đồng so với giá vàng thế giới.