Tài chính

Dòng tiền vào chứng khoán ‘mất hút’, nhà đầu tư e dè điều gì?

Dòng tiền vào chứng khoán suy giảm trong bối cảnh thị trường thiếu động lực tăng, nhà đầu tư e dè trước nhiều thông tin nhiễu loạn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dòng tiền vào chứng khoán suy giảm trong bối cảnh thị trường thiếu động lực tăng, nhà đầu tư e dè trước nhiều thông tin nhiễu loạn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vài phiên liên tiếp gần đây, dòng tiền vào thị trường chứng khoán có xu hướng sụt giảm. Nếu so với thanh khoản bình quân 30.000 tỉ đồng các tuần trước, nay giảm gần nửa.

Nhà đầu tư giao dịch thận trọng, tiền vào chứng khoán giảm

Áp lực bán chủ động gia tăng trong phiên chiều ngày 10-4 khiến VN-Index trượt xuống dưới tham chiếu, mất 4,26 điểm về mốc 1.258,56.

Thị trường tiêu cực hơn khi độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm điểm. Trên HoSE, 275 phủ sắc đỏ, trong khi có 177 cổ phiếu tăng giá.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm sút, còn hơn 18.000 tỉ đồng cả 3 sàn. Trong đó, sàn TP.HCM chiếm 16.845 tỉ đồng, đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên.

Theo chuyên gia Chứng khoán Vietcombank, các nhà đầu tư dường như vẫn rất thận trọng trong thời điểm này khi tín hiệu hồi phục của VN-Index chưa đủ thuyết phục.

"Dòng tiền yếu cho thấy các nhà đầu tư đang giữ tâm lý khá cẩn trọng khi giao dịch. Nhưng với diễn biến hiện tại có thể nhận định rằng thị trường vẫn chưa quá bi quan trong ngắn hạn", chuyên gia VCBS nhận định.

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết - cho rằng thị trường phần nào chịu áp lực bởi yếu tố tâm lý trước một số thông tin đồn thổi, nhiễu loạn...

Ngoài ra theo ông Ngọc, thị trường vẫn đang giằng co trong khoảng một tuần trở lại đây trước nỗi lo Fed sẽ duy trì lãi suất cao thêm thời gian nữa.

Giới đầu tư cũng đang quan sát chờ đợi thông tin từ báo cáo về lạm phát của Mỹ vào tối nay, ông Ngọc nói. Cụ thể, buổi sáng thứ tư theo giờ địa phương, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.

Vị chuyên gia cho biết đây là một dữ liệu quan trọng cho thấy tình hình lạm phát ở Mỹ, từ đó định hình kỳ vọng của thị trường về câu chuyện lãi suất.

3 tháng bán ròng, bằng gần cả năm ngoái

Khối ngoại sau khi mua ròng đầu phiên sáng nay, thời gian giao dịch còn lại bán ròng mạnh với tổng giá trị ròng đạt 550 tỉ đồng.

Cần phải nói thêm, động thái rút ròng khối ngoại đã miệt mài suốt thời gian, ít nhiều tác động tâm lý tiêu cực tới nhà đầu tư trong nước.

Theo dữ liệu Chứng khoán DSC, chỉ hơn 3 tháng năm 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 17.000 tỉ đồng, gần bằng con số hơn 19.000 tỉ đồng năm 2023 qua giao dịch khớp lệnh.

"Trái ngược với những kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại với câu chuyện nâng hạng, hay tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại liên tục bán ròng suốt một thời gian dài. Có lẽ cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân của sự dịch chuyển dòng vốn này", ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh Chứng khoán DSC - nhấn mạnh.

Theo ông Huy, với sự chênh lệch lãi suất hiện tại, chúng ta có thể nói hy sinh tỉ giá và dòng vốn ngoại để đổi lấy phục hồi kinh tế và kỳ vọng sức mạnh dòng vốn nội có thể "cân" hết đà bán khối ngoại.

Nhưng vị chuyên gia cũng cho rằng chúng ta không thể mãi duy trì trạng thái này, đặc biệt nếu lạm phát và tín dụng có xu hướng tăng trở lại. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm