Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng dồn dập trong thời gian gần đây là do khan hiếm nguồn cung.
Người cầm tiền sốt ruột
Chị Phương (quận 7, TP.HCM) cho hay chị có sổ tiết kiệm hơn 2 tỉ đồng mới đáo hạn hai tuần trước tại ngân hàng. Thời điểm đáo hạn sổ tiết kiệm, giá vàng nhẫn 9999 đang ở mức 69 triệu đồng/lượng nên chị có phần e dè không dám xuống tiền vì sợ giá vàng quay đầu giảm.
"Ai ngờ giá vàng nhẫn tăng một mạch gần 10 triệu, lên mức 78,6 triệu đồng/lượng vào hôm nay làm tôi tiếc ngẩn ngơ", chị Phương than.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Nhiều người ôm tiền chờ giá vàng giảm những ngày qua đã sốt ruột khi giá vàng tăng không ngừng nghỉ.
Cuối ngày hôm nay, giá vàng thế giới ở mức 2.348,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,15 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng nhẫn 9999 đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 7,45 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh kỷ lục.
Giá vàng miếng SJC cuối ngày hôm nay ở mức 84,4 triệu đồng/lượng, mua vào 82,4 triệu đồng/lượng. Cách biệt giá mua - bán lên đến 2 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, mức tăng của giá vàng trong nước những ngày gần đây cao hơn nhiều so với mức tăng của giá vàng thế giới.
Lý giải nguyên nhân trên, một số chuyên gia cho rằng nút thắt nằm ở phía nguồn cung vàng vì nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập vàng. Ở thị trường phi chính thức, một số đầu mối nhập vàng cũng e dè hơn khi cơ quan chức năng đang dồn dập ra quân và việc nhập vàng giá cao cũng đem đến nhiều rủi ro.
Hiệp hội Kinh doanh vàng từng kiến nghị cho nhập vàng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã từng gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép ba doanh nghiệp gồm DOJI, SJC và PNJ nhập khẩu vàng với số lượng 1,5 tấn/năm, tương đương 500kg/năm đối với mỗi doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng mà chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Vàng nguyên liệu sẽ dùng để chế tác vàng nữ trang.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc đưa ra con số 1,5 tấn là không lớn, phù hợp với thị trường bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn. Nhập khẩu vàng sẽ giúp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.
Đừng để tắc nguồn cung vàng nguyên liệu
Kèm theo văn bản đề xuất cho ba doanh nghiệp nhập vàng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng có văn bản phản ánh về tình hình thu mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ của các doanh nghiệp vàng.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết trong hơn 10 năm qua (kể từ khi thực hiện nghị định 24), doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu mà các doanh nghiệp chỉ thu mua vàng trên thị trường làm nguồn nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Việc các doanh nghiệp thu mua vàng nguyên liệu trên thị trường trong nước được thực hiện theo hai phương thức: một là mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. Hai là mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.
Phương thức mua vàng theo bảng kê của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại thông tư số 78 năm 2024 của Bộ Tài chính.
"Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thu mua vàng trên thị trường.
Vì vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu", Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết.
Cũng theo hiệp hội, từ những đắn đo, lo ngại, doanh nghiệp sẽ giảm nhu cầu thu mua hoặc thậm chí dừng việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu. Từ đó khiến việc tổ chức sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
Khi doanh nghiệp phải giảm hoặc dừng sản xuất sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đó là hàng hóa cung ứng cho thị trường giảm, sức cạnh tranh yếu, hàng nhập khẩu có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt công tác quản lý thị trường chống buôn lậu càng phức tạp hơn.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguồn cung trong nước giảm, giá vàng thu mua trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế nên người dân sẽ bị thiệt thòi vì phải mua hàng trang sức với giá cao hơn giá quốc tế và không thể xuất khẩu để tái tạo nguồn ngoại tệ.
"Để góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vượt qua khó khăn kể cả về mặt tâm lý, phục hồi sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Mục đích để phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ góp phần chống buôn lậu vàng, thị trường vàng phát triển được lành mạnh và các hệ lụy nói trên sẽ được khắc phục, đặc biệt về tâm lý của các doanh nghiệp", văn bản nêu.
Văn bản được gửi từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch.
Trong khi đó ghi nhận của Tuổi Trẻ Online thời gian gần đây, khi giá vàng tăng cao, nhu cầu mua vàng tăng lên, nhiều tiệm vàng thường xuyên báo hết vàng nhẫn 9999, nhất là ở những thời điểm thị trường nóng sốt. Nhiều người phải đi nhiều nơi mới mua được vàng nhẫn. Có tiệm hẹn lại trong khi trước đây mua lúc nào cũng có.