Khoa học

Giữ trái cây, rau củ tươi lâu nhờ cách bảo quản khoa học

Nên bảo quản riêng một số loại rau củ, trái cây - Ảnh: consumer.org.nz

Nên bảo quản riêng một số loại rau củ, trái cây - Ảnh: consumer.org.nz

Sau khi được thu hoạch, trái cây và rau củ vẫn tiếp tục quá trình sinh học, do đó dễ bị hư. Ngoài ra vì là sản phẩm tươi sống nên chúng dễ bị nhiều loại vi khuẩn khác nhau tấn công, dẫn đến nhanh bị giập, thối.

Việc chỉ cất chúng vào tủ lạnh sẽ không giải quyết được vấn đề vì mỗi loại sẽ phản ứng khác nhau với cách chúng được bảo quản.

Trang ScienceAlert gợi ý những cách bảo quản khoa học để giữ trái cây và rau củ được lâu hơn.

Không rửa, không ngâm giấm trước khi bảo quản

Chúng ta không cần rửa trái cây và rau củ trước khi bảo quản. Một phần là chúng đã được rửa trước khi bán cho chúng ta. Mặt khác, nếu rửa mà không để ráo hoàn toàn, độ ẩm tăng có thể làm tăng tốc độ hư, thối trong tủ lạnh.

Tuy nhiên trước khi ăn hoặc chế biến phải nhớ rửa lại vì giúp loại bỏ bụi bẩn và vi trùng gây bệnh.

Không nên ngâm giấm hay baking soda dù có thấy những lời khuyên như vậy trên mạng xã hội. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng giấm không có tác dụng giảm lượng vi sinh vật trên thực phẩm tươi sống. Chỉ cần rửa chúng với nước máy.

Bảo quản trái cây ở đâu, ra sao?

Nên bảo quản riêng một số loại rau củ, trái cây - Ảnh: consumer.org.nz

Nên bảo quản riêng một số loại rau củ, trái cây - Ảnh: consumer.org.nz

Việc chính cần làm khi bảo quản trái cây và rau củ là chọn đúng cách đóng gói và đúng nơi để kiểm soát tình trạng mất độ ẩm, hư thúi và chín của chúng.

Ba lựa chọn chính là trên bàn, trong tủ lạnh và ở nơi "tối, khô, mát" như tủ đựng thức ăn. Dưới đây là một số ví dụ phổ biến về cách và nơi bảo quản một số loại trái cây và rau củ.

Chuối, hành tây, tỏi, khoai tây, khoai lang và bí nên để ở trong tủ tối hoặc chạn chén. Không nên trữ khoai tây chung với hành tây vì hành tiết ra khí ethylene làm khoai nhanh hư hơn trong khi độ ẩm cao trong khoai sẽ làm hư hành.

Không trữ táo, lê, bơ và chuối chung với nhau vì chúng tiết ra khí ethylene khi chín, làm chín (có khi thúi) những trái xung quanh nhanh hơn.

Tất cả các loại rau lá xanh, cà rốt, dưa leo, súp lơ và bông cải đều tươi lâu trong ngăn chứa rau củ của tủ lạnh. Chúng ta có thể để chúng trong các túi nhựa có lỗ để duy trì độ ẩm nhưng vẫn lưu thông khí. Không trữ chúng trong túi kín vì chúng sẽ giữ lại carbon dioxit, dẫn đến hư thúi và bốc mùi.

Một số trái cây ngon và tươi lâu khi để trong tủ lạnh như táo và các loại trái họ cam quýt. Tuy nhiên, không nên để dưa hấu quá 3 ngày trong tủ lạnh vì sẽ mất hương vị và màu đỏ đậm.

Đối với hầu hết thảo mộc và một số loại rau ăn lá như cần tây, hành lá và măng tây, nên bảo quản chúng ở nơi thông thoáng và tránh ánh nắng trực tiếp.

Làm gì để tránh lãng phí?

Tránh mua quá nhiều và không nên mua các sản phẩm héo, giập nếu dự định để chúng lâu hơn một ngày.

"Chế biến" trái cây và rau củ nếu mua nhiều trong đợt khuyến mãi hay giảm giá. Ví dụ, chuối nghiền có thể bảo quản tới 14 ngày ở nhiệt độ 4 độ C.

Có thể sử dụng các phương pháp như đông lạnh, chần, lên men và đóng hộp đối với hầu hết các loại rau củ.

Đóng gói bằng cách hút chân không với các loại rau và quả mọng cũng có thể giữ chúng tươi lâu hơn. Ví dụ đậu hút chân không có thể giữ được tới 16 tháng trong tủ lạnh nhưng sẽ hư sau 4 tuần nếu không được đậy kín trong tủ lạnh.

Ngoài ra hãy sắp xếp để có thể dễ dàng nhìn thấy các loại trái cây và rau củ. Sử dụng hết trước khi chúng mất đi độ tươi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm