Ngày 29-5, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải carbon đến năm 2025. Bản kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030, tiến tới trung hòa carbon trước năm 2060 của Bắc Kinh.
Cột mốc quan trọng
Dựa trên số liệu sơ bộ về tiêu thụ năng lượng được Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc công bố, nhà phân tích Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) chỉ ra lượng phát thải CO2 của nước này trong giai đoạn từ tháng 3-2023 đến tháng 2-2024 tăng nhanh liên tục.
Tuy nhiên đến tháng 3, lượng phát thải đã giảm 3% - đánh dấu lần đầu tiên mức phát thải CO2 ở Trung Quốc giảm sau khi nước này chấm dứt các quy định "zero-COVID" hồi tháng 12-2022. Ông Myllyvirta khẳng định sự giảm này phần lớn nhờ vào nỗ lực phát triển hạ tầng năng lượng xanh vốn được Bắc Kinh quyết liệt theo đuổi trong nhiều năm qua.
Chỉ trong năm 2023, công suất lắp đặt điện mặt trời ở Trung Quốc đạt 217 GW (tăng 55% so với năm 2022). Công suất lắp đặt điện gió cũng tăng mạnh, đạt 76 GW, cao hơn phần còn lại của thế giới.
Điểm đáng chú ý là tổng công suất năng lượng sạch được lắp mới (gồm điện hạt nhân, thủy điện, điện gió, điện mặt trời) trong năm 2023 của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua nhu cầu điện tăng thêm của cả nước. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ không cần dựa vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng thêm hằng năm.
Theo báo Wall Street Journal, giới phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ tiếp tục bổ sung khoảng 200 - 300 GW công suất điện gió và mặt trời mỗi năm trong thời gian tới. Ông Myllyvirta cho rằng với đà tăng trưởng này, lượng phát thải CO2 của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và không bao giờ vượt mức của năm 2023 nữa.
Điều này có nghĩa Trung Quốc có thể đã hoàn thành sớm đến 7 năm so với mục tiêu đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 đã đề ra trước đó. Không những thế, nước này còn có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng 1.200 GW công suất điện gió và điện mặt trời trước năm 2030. Tháng 4 năm nay, Hội đồng điện lực Trung Quốc dự đoán công suất điện gió và điện mặt trời của nước này có thể đạt 1.300 GW ngay trong năm 2024.
Hai thắng lợi trên đưa Trung Quốc trở thành một trong những động lực chính đưa thế giới đến gần hơn với mục tiêu được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra. Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu và môi trường quốc tế Jan Ivar Korsbakken nhận định: "Việc đạt đỉnh sớm sẽ mang lại rất nhiều giá trị biểu tượng và là dấu hiệu cho thế giới thấy chúng ta đã tiến đến bước ngoặt".
Kế hoạch đến năm 2025
Để tiếp tục hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2060, ngày 29-5 Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải carbon đến năm 2025. Báo Global Times cho biết trọng tâm của kế hoạch này là giảm 130 triệu tấn phát thải CO2 trước khi kết thúc năm 2025.
Để làm điều đó, chính phủ sẽ kiểm soát "nghiêm ngặt" việc tiêu thụ than đá, kiểm soát "hợp lý" việc sử dụng dầu mỏ và khuyến khích dùng các loại nhiên liệu bền vững.
Bắc Kinh nhấn mạnh mỗi 1% tăng trưởng GDP của năm 2024 cần tiêu thụ ít hơn 2,5% năng lượng so với trước. Tỉ lệ năng lượng không có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch trong tổng năng lượng tiêu thụ cả nước cũng cần tăng lên mức 18,9% trong năm 2024 và đạt 20% vào năm 2025.
Việc xây mới các khu phức hợp sản xuất nhiên liệu tái tạo quy mô lớn, lắp đặt các trang trại điện gió ngoài khơi tiếp tục là trọng tâm đầu tư của chính phủ. Mục tiêu là nâng tỉ lệ năng lượng sạch trong tổng sản lượng năng lượng năm 2025 lên mức 39%, so với mức 33,9% hồi năm 2020.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn nâng giới hạn hòa lưới điện cho lượng điện tái tạo dư thừa từ 5% lên 10%. Ông Albert Miao, chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu quá trình chuyển đổi năng lượng châu Âu tại ĐH Macquarie (Úc), nhận định chính sách này có thể bổ sung 30 GW công suất điện mặt trời vào lưới điện.
Chưa hết, Bắc Kinh còn đề ra nhiều phần việc cụ thể như nhanh chóng hoàn thành đường dây truyền tải điện siêu cao áp, gỡ bỏ giới hạn mua xe nhiên liệu sạch ở nhiều khu vực...
Trung Quốc vẫn xây thêm nhà máy nhiệt điện than
Tờ Wall Street Journal khẳng định dù đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, Trung Quốc vẫn đang triển khai một số dự án nhiệt điện than. Nhiều quan chức phương Tây xem đây là động thái khẳng định Bắc Kinh vẫn sẽ bất chấp phát thải CO₂ để phát triển kinh tế trong nhiều năm tới.
Ở chiều ngược lại, giới chức Bắc Kinh trấn an rằng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ sử dụng công nghệ ít phát thải hơn thế hệ trước. Mục đích của các nhà máy này chỉ là nhằm đảm bảo sự ổn định của lưới điện và Trung Quốc vẫn sẽ hướng đến việc sử dụng điện tái tạo, do đó các nhà máy nhiệt điện than trên gần như sẽ luôn hoạt động dưới công suất tối đa.