Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Chứng khoán tháng 6 tiếp tục gặp áp lực tỷ giá, cẩn trọng đà tăng nóng nhóm penny

Thị trường chứng khoán tháng 5 trôi qua với xu hướng tăng điểm là chủ đạo. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định tháng 6 là vũng trũng thông tin và thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh vào đầu tháng.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng định giá hiện tại của thị trường hiện tại lần lượt xấp xỉ 13,7 - 13,8 lần và 1,6 -1,7 lần, không phải là mức cao và gợi ý ba xu hướng đầu tư.

Ông đánh giá ngắn gọn về diễn biến thị trường chứng khoán tháng 5?

Ông Nguyễn Thành Trung: Chứng khoán tháng 5 có diễn biến tích cực phục hồi. Trước đó, thị trường đã điều chỉnh trong tháng 4 trước một số yếu tố, chủ yếu về tỷ giá. Tuy nhiên, tháng 5 đã lấy lại gần đủ điểm số đánh rơi trong tháng 4. Tính từ đầu năm đến 30/5, VN-Index đã tăng khoảng 5,2%. Thị trường đã có diễn biến thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh: Tháng 5, điểm tiêu cực là áp lực bán ròng của khối ngoại khá mạnh. Điều này đến từ áp lực tỷ giá gần đây gia tăng trở lại, trong bối cảnh Fed có khả năng vẫn duy trì mức lãi suất cao, khi lạm phát đang quay trở lại. Tổng giá trị bán ròng 5 tháng đầu năm đã vượt cả năm 2023, là dấu hiệu tiêu cực cho đợt tăng vừa rồi của thị trường.

Ngược lại, tích cực là thanh khoản đã cải thiện, tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Đồng thời đó, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không có nhiều khởi sắc, một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng tích cực, thậm chí tạo đỉnh mới.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến 30/5. (Biểu đồ: TradingView).

Nhà đầu tư cần chú ý những thông tin nào trong tháng 6, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Trung: Về thế giới, có hai cuộc họp quan trọng cần theo dõi. Thứ nhất là cuộc họp của ECB vào 6/6. Nhiều nhà đầu tư đang vọng ECB sẽ giảm lãi suất trong tháng 6 này, từ đó ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Một số ngân hàng tại Thụy Sĩ hay Thụy Điển đã giảm lãi suất sau một chu kỳ tăng 2 năm qua.

Sau đó một tuần, Fed sẽ họp vào 12/6 với hai nội dung quan trọng, gồm CPI và dự báo về lãi suất. Khác với ECB, gần như chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất lần này. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ theo dõi các góc nhìn của lãnh đạo Fed về lạm phát, lãi suất trong tương lai, từ đó tác động đến hướng đi của lãi suất, tỷ giá.

 Ông Nguyễn Thành Trung. (Nguồn: NVCC).

Trong nước, tỷ giá vẫn neo cao, song không phải câu chuyện mới và dường như nhà đầu tư đã quen dần. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn phải theo dõi các yếu tố tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất điều hành... Có thể Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ nâng lãi suất OMO 0,5 điểm % trong tháng 6.

Mặt khác, cuối tháng 6 sẽ là thời điểm công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô, điển hình như tăng trưởng GDP quý II. Với quý I tăng trưởng 5,3%, nếu quý II thấp, các quý còn lại sẽ cần cố gắng nhiều để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 đạt 6-6,5% như Chính phủ đã đề ra.

Theo đó, các chính sách thúc đẩy kinh tế có thể được đưa ra trong giai đoạn tiếp theo, cũng tác động đến thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Thế Minh: Giống tháng 5, tháng 6 cũng rơi vào vùng trũng thông tin. Bức tranh vĩ mô sẽ thực sự tác động đến thị trường trong tháng 6 này. Đầu tiên vẫn là áp lực lạm phát. Theo số liệu vừa công bố, CPI tháng 5 cao hơn so với tháng 4, song vẫn đang trong vùng kiểm soát 4 - 4,5%. Giá cả hàng hóa đang có xu hướng tăng trở lại. Giá dầu, khí đã tăng. Giá nông sản cũng tăng, ảnh hưởng từ sản lượng và rủi ro địa chính trị cũng tạo áp lực giá hàng hóa trong thời gian vừa rồi.

Áp lực lạm phát đang trở lại với nền kinh tế, từ đó gây áp lực lên đồng USD. Fed có thể vẫn duy trì lãi suất cao như hiện tại. Thị trường còn đang dự phóng Fed khó có đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Điều này dẫn đến lợi suất USD vẫn cao, từ đó gây ra áp lực tỷ giá với Việt Nam.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kiểm soát áp lực tỷ giá này. Tuy nhiên, áp lực này có thể gia tăng trong tháng 6, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Hoạt động bán ròng của khối ngoại dự báo vẫn tiếp diễn, khi áp lực tỷ giá vẫn cao.

Về thị trường chứng khoán thế giới, nhà đầu tư từng kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, bức tranh này đang mờ nhạt. Điều này dẫn đến kỳ vọng đang tiêu cực trở lại, có thể gây rủi ro cho thị trường chứng khoán thế giới. Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán thế giới đã có những dấu hiệu đảo chiều giảm. Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu (Mỹ) tăng trở lại sẽ gây áp lực bán tháo trái phiếu trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến cả thị trường cổ phiếu, bao gồm Việt Nam.

Ngoài ra, một cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu cụ thể có những câu chuyện riêng. Tuy nhiên, điều này chỉ tác động đến cổ phiếu/nhóm cổ phiếu đó, không ảnh hưởng đến chung toàn thị trường.

Dự báo nào cho thị trường chứng khoán tháng 6?

Ông Nguyễn Thế Minh: Nếu nửa đầu tháng, VN-Index thủng 1.250 điểm thì có thể xuống 1.200 điểm. Khi về 1.200 điểm, thị trường sẽ cân bằng tại đây, khó có khả năng giảm sâu hơn. Nếu chỉ số giảm nhanh thì 1-2 tuần cuối tháng sẽ phục hồi trở lại. Trường hợp đà giảm kéo dài lâu hơn, tháng 6 sẽ là tháng giảm điểm.

Ông Nguyễn Thành Trung: Dòng tiền cơ bản vẫn đang ủng hộ cho thị trường chứng khoán, có xu hướng dịch chuyển từ các kênh đầu tư khác vào chứng khoán.

Về mặt định giá, với VN-Index đang dạo động 1.270 điểm hiện tại, P/E và P/B của thị trường lần lượt xấp xỉ 13,7 - 13,8 lần và 1,6 - 1,7 lần. Đây không phải là mức cao, vẫn thấp hơn trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với hai yếu tố trên, TCSC đánh giá vẫn đầu tư được vào thời điểm này. Ngoài ra, yếu tố bất ngờ (như chiến tranh, chính trị...) thì không thể dự báo được, khi thông tin xuất hiện thì mới đánh giá được.

Ở khía cạnh cơ bản, đâu là những những nhóm ngành đang có câu chuyện và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong trung dài hạn? Sản lượng tiêu thụ điện tăng trưởng cho thấy điều gì?

Ông Nguyễn Thành Trung: TCSC đưa ra ba xu hướng đầu tư chính. Với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, phù hợp sẽ là nhóm ngành mang tính dẫn dắt thị trường, chiếm vốn hóa lớn, điển hình là ngân hàng.

Xu hướng thứ hai là hồi phục kinh tế. Kinh tế Việt Nam đã gặp khó khăn trong cuối 2022 đến 2023. Tuy nhiên, những quý gần đầy kinh tế đã hồi phục, biểu hiện ở những con số phục hồi ở hoạt động bán lẻ, công nghiệp, xuất khẩu... Nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm ngành vật liệu xây dựng, xuất khẩu, bán lẻ...

Với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thấp, có thể xem xét cổ phiếu nhóm ngành tiện ích với tỷ lệ chia cổ tức cao.

4 tháng đầu năm, sản lượng điện tăng khoảng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, là con số tăng trưởng đáng kể trong ngành mang tính thiết yếu, tiện ích. Điều này hàm chứa rất nhiều câu chuyện.

Tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp và của người dân tăng lên. Có một hệ số nhân trong ngành điện ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo đó tăng trưởng ngành điện sẽ gấp đôi tăng trưởng GDP. Ví dụ nếu sản lượng điện tăng hơn 12% trong 4 tháng đầu năm, GDP quý II có thể sẽ tăng trưởng hơn 6%.

Điều này tốt cho nhóm nhà đầu tư trong xu hướng thứ ba (nêu trên). Kinh tế phục hồi cũng hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, xuất khẩu như xu hướng đầu tư thứ hai (nêu trên).

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong 2024, có hai nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng bất chấp bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào. Đầu tiên là dầu khí, liên quan đến việc triển khai mỏ khí mới. Hiện giá dầu đang neo ở mức cao. Thứ hai là công nghệ, những diễn biến trong thời gian qua là minh chứng cho chu kỳ tăng trưởng bền vững.

 Ông Nguyễn Thế Minh. (Nguồn: NVCC).

Mặt khác, Việt Nam đã nhập siêu trở lại, là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Trước đó, lượng nhập siêu trong 2023 rất kém, vì các doanh nghiệp không nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp đã đầy (full) đến quý III, thậm chí cả năm. Điều này cho thấy sản xuất trong nền kinh tế đang quay trở lại, tác động tình hình tiêu thụ điện thời gian qua.

Từ đó, năm 2024 có thể chứng kiến sự tăng trưởng của nhóm sản xuất điện. Trong nhóm năng lượng, hưởng lợi chính là các doanh nghiệp điện khí.

Theo định hướng dài hạn, Việt Nam sẽ giảm thủy điện và nhiệt điện, ngược lại tăng điện khí và điện gió. Trong ngắn hạn 2024, điện gió không đủ để đảm bảo cung cấp cho sản xuất, trong khí điện khí có thể chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Lời khuyên nào gửi đến các nhà đầu tư khi bước qua tháng cuối cùng của quý II?

Ông Nguyễn Thành Trung: Đầu tiên, nhà đầu tư cần xác định mục tiêu đầu tư, mỗi năm lãi bao nhiêu phần trăm, khả năng chấp rủi ro như thế nào, và thời gian đầu tư là bao lâu. Từ đó, nhà đầu tư mới tập trung xây dựng danh mục cho phù hợp.

Ví dụ những cô chú đã về hưu sẽ có khẩu vị, khả năng chấp nhận rủi ro sẽ khác với các bạn trẻ. Sau đó, nhà đầu tư cần xem xét tương quan với thị trường, để lựa chọn phù hợp cho danh mục của mình.

Ngoài ra, một khía cạnh nữa là nhà đầu tư có thể dành thời gian theo dõi thị trường, chăm sóc danh mục hay không. Một phương án dành cho nhóm người bận rộn là đầu tư vào các quỹ, hoặc thuê chuyên gia quản lý danh mục cho mình.

Còn khi tự đầu tư, cần liên tục trau dồi, nâng cao kiến thức, sau đó tìm đến một đơn vị môi giới để tư vấn, phù hợp với chiến lược, từ đó đem lại sự bền vững trên thị trường. Nhà đầu tư cần nắm rằng việc mua bán, lướt sóng ngắn hạn rất khó hiệu quả trong thị trường vốn rủi ro và nhiều cạm bẫy này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm