Kỹ năng sống

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng "Nàng" có 1 báu vật mà nhiều thành phố phải ghen tị”

Tôi gặp Nàng lần đầu tiên vào mùa thu năm 1998, trong hai tuần đầu tiên khi tôi đến Việt Nam, và lúc đó Nàng thật đáng yêu. Đó là khi thời kỳ Đổi Mới chưa bắt đầu được bao năm, thành phố vẫn còn tương đối nghèo. Nhưng mặt tích cực của nó là phương tiện giao thông chính vẫn là xe đạp. Hà Nội ngày đó yên tĩnh và không khí trong lành hơn hiện tại rất nhiều.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đã khiến tôi phải lòng Nàng. Mùa thu Hà Nội với ánh nắng vàng ruộm, không khí dịu êm. Tôi thường đi bộ mỗi sáng từ khách sạn Metropole nơi tôi ở để đến văn phòng Ngân hàng Thế giới, lúc đó nằm trên đường Trần Phú. Và đó đã luôn là một niềm vui thích.

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng

Có lẽ, nếu tôi đến đây vào những tuần gần Tết, khi không khí ẩm ướt khiến mọi thứ đều có cảm giác bí bức và có phần bụi bặm, có lẽ ấn tượng đầu tiên của tôi đã rất khác. Điều tương tự cũng xảy ra nếu chuyến thăm đầu tiên của tôi diễn ra vào những tháng hè ngột ngạt. Trên thực tế, chất lượng không khí Hà Nội cũng phụ thuộc rất nhiều vào các mùa. Và trong một số tháng trong năm, việc yêu mến Nàng thật khó khăn.

Chất lượng không khí ở Hà Nội ngày càng xấu đi. Thành phố đã lớn hơn nhiều về mặt dân số, xung quanh có nhiều hoạt động công nghiệp và sản xuất năng lượng hơn, đồng thời lưu lượng phương tiện cũng tăng lên rất nhiều.

Đây không chỉ là một ấn tượng chủ quan. Ví dụ như, tổ chức IQAir của Thụy Sĩ đã giám sát chất lượng không khí ở 114 thành phố lớn trên thế giới. Năm 2023 mức độ ô nhiễm của Hà Nội đứng thứ 8 trong số đó. Bây giờ tôi nghe nhiều bạn bè phàn nàn rằng họ không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội thêm nữa, và đang lên kế hoạch chuyển đến những nơi như Hội An, Nha Trang.

Tôi có thể hiểu cho họ (à, nhưng không phải những người hút thuốc như ống khói!). Và trong trường hợp của tôi, là một người mắc bệnh hen suyễn nhẹ, tôi cũng khốn khổ khi chất lượng không khí kém. Nhưng tất nhiên, tôi sẽ không rời bỏ Nàng chỉ vì điều đó!

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng

Có nhiều lý do về mặt địa lý khiến chất lượng không khí Hà Nội dễ bị suy giảm. Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế gần biển hơn. Vào buổi tối, những làn gió dễ chịu giúp hạ nhiệt độ và làm sạch không khí.

Ở Hà Nội không có đặc điểm tương đương như vậy, ngoại trừ khu vực ven Hồ Tây và sông Hồng. Và ngay cả ở khu vực đó, sự tác động cũng khiêm tốn hơn nhiều so với Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào những tháng mùa đông, Hà Nội còn xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Thông thường, không khí ở nơi có độ cao lớn hơn sẽ mát mẻ hơn. Nhưng với hiện tượng nghịch nhiệt, không khí lạnh bị giữ lại gần mặt đất và ô nhiễm bị mắc kẹt ở đó. Điều này thường xảy ra trong những tuần giáp Tết. Nó tạo ra những hình ảnh lãng mạn về hồ nước và đường phố đầy sương mù… nhưng chất lượng không khí thì rất tệ!

Và thêm vào đó, ô nhiễm không khí còn đến từ khu vực ngoại thành. Ví dụ, từ các nhà máy điện đốt than và đặc biệt là từ việc đốt rơm rạ ở những cánh đồng lúa giáp ranh. Về nguyên tắc, điều này bị cấm. Nhưng nhiều nông dân vẫn làm vì thời gian chuẩn bị đất cho vụ mùa tiếp theo rất ngắn, tro đốt rơm rạ sau đó được dùng làm phân bón.

Hà Nội còn đang trong quá trình phát triển nhanh chóng và điều đó đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Có rất nhiều công trình đang được xây dựng và kéo theo đó là rất nhiều bụi xi măng trong không khí. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng đô thị vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thành phố, khiến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, dẫn đến lượng lớn khí thải từ ô tô và xe máy.

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng

Điều này không có nghĩa là chính quyền địa phương không thể làm gì để giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Trong thời gian ngắn, việc đó có thể bất khả thi, tuy nhiên, thực hiện tốt quy hoạch đô thị có thể giúp giải quyết những bất cập này trong trung hạn và Hà Nội đang đạt được tiến bộ khả quan.

Cần phải lưu ý ba mục tiêu: Đầu tiên, thu hẹp khoảng cách mọi người phải di chuyển để đến nơi làm. Thứ hai, phương tiện di chuyển của người dân cần phải sạch. Và thứ ba, cần có những không gian xanh rộng lớn để hấp thụ carbon trong không khí.

Để đạt được 3 mục tiêu này, tôi nghĩ có thể bằng các phương pháp sau:

Các đô thị nhỏ gọn có thể rút ngắn thời gian di chuyển hơn so với các thành phố rộng lớn, nơi mọi người dành hàng giờ trên đường. Giao thông công cộng hiệu quả, đặc biệt là các tuyến tàu điện ngầm, sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải trên mỗi chuyến đi.

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng

Nhưng tôi cho rằng một trong những thế mạnh chính của Hà Nội là cách tiếp cận quy hoạch truyền thống, tập hợp các hoạt động thương mại và khu vực dân cư ở cùng một nơi.

Ở nhiều thành phố phương Tây, người dân sống ở một số khu phố và làm việc ở những khu phố khác. Nhưng hãy nghĩ đến kiểu nhà đặc trưng của người Việt ở khu phố cổ: mọi người sống ở tầng trên và có cửa hàng ở tầng dưới. Vì vậy, việc đi làm hàng ngày của họ chỉ là… đi lên và xuống cầu thang mà không cần bất kỳ phương tiện di chuyển nào! Thật không may, việc phát triển các khu đô thị mới lại đi ngược nguyên tắc khôn ngoan này.

Sau đó là vấn đề bảo tồn không gian xanh. Nhiều hồ ở Hà Nội là tài sản đô thị nền tảng về mặt này. Nhưng tôi cho rằng không gian xanh quan trọng nhất mà thành phố đang sở hữu là sông Hồng, với Bãi Giữa quyến rũ và bờ kè rộng. Cách thành phố xử lý tài sản thiên nhiên đặc biệt này sẽ có tính quyết định đối với tình trạng ô nhiễm không khí trong tương lai.

Cụ thể, trong số các thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội rất đặc biệt khi có một mảng xanh rất rộng lớn ở trung tâm. Sông Hồng, các đảo và bãi bồi của nó chiếm nhiều km vuông ở trung tâm thành phố, tạo nên một vùng xanh bát ngát mà các thành phố khác chỉ có thể ghen tị.

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng

Thảm thực vật là một bể chứa hấp thụ carbon lớn. Thực vật phát triển vì chúng lấy carbon từ khí quyển. Và có rất nhiều thảm thực vật ở hai bên bờ sông Hồng và trên Bãi Giữa! Trong nhiều thế kỷ, khu vực xanh này được bảo vệ do lũ lụt thường xuyên. Những người sinh sống ngoài đê có thể thường xuyên gặp tình trạng nhà của họ ngập trong nước vài tháng mỗi năm. Nhưng giờ điều đó đã thay đổi.

Với nhiều đập và kênh ở thượng nguồn, lũ lụt hiện nay ít xảy ra hơn, và do đó khu vực sông Hồng trở thành nơi có thể xây dựng được. Trên thực tế, nơi đây đã trở thành mảnh đất vàng mà nhiều nhà đầu tư mong muốn cho các dự án phát triển đô thị của mình. Tuy nhiên, nếu khu vực này chỉ còn lại các tòa nhà và đường sá, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ trở nên trầm trọng, thậm chí trầm trọng hơn rất nhiều.

Khi thành phố cân nhắc các phương án phát triển đô thị ở khu vực sông Hồng, điều quan trọng cần lưu ý là phải bảo vệ mảng không gian xanh để không khí Hà Nội luôn trong lành. Nếu thành phố có tham vọng, thậm chí có thể nghĩ đến việc tạo ra những “hành lang xanh”, từ sông Hồng đến khu phố cổ, nối ra Tây Hồ, đến Gia Lâm, để cây xanh tràn vào thành phố, thay vì bị xâm chiếm.

“Hà Nội có lúc làm tôi khốn khổ, nhưng

Cùng chuyên mục

Đọc thêm