Kiếm việc ở đâu, thu nhập mỗi tháng bao nhiêu?
"Kiếm việc trợ lý TikToker ở website nào bạn nhỉ?"; "Chỉ mình cách ứng tuyển làm trợ lý cho TikToker được không?" - Nghề trợ lý cá nhân đang được các bạn trẻ chú ý dạo gần đây, kéo theo những câu hỏi muốn biết về cách "dệt mối duyên" với nghề.
Nếu có cùng thắc mắc, thế thì bạn ngồi lại đây, Cam Lạc (tên thật là Huỳnh Lâm Nguyễn Trường, 2002, chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) với kinh nghiệm 6 tháng làm trợ lý TikToker, có vài bí quyết hay để kể bạn nghe!
Trong một năm gap year ở Đại học, Cam Lạc đã "bén duyên" với nghề trợ lý cho một TikToker có hơn 3,5 triệu người theo dõi, nổi tiếng với series giúp đỡ các quán ăn gặp khó khăn: "Mình hay trò chuyện, đồng hành cùng với bạn ấy trong khoảng thời gian bạn đang gặp khó khăn trong công việc. Hai người tâm sự cùng nhau. Bạn cần người hỗ trợ. Mình cần một công việc. Mình gửi các dự án đã làm cho bạn ấy xem qua và thế là mối quan hệ trợ lý - talent từ đó mà hình thành."
Cứ thế, cậu bạn trở thành một trợ lý "newbie". Trải nghiệm "kiếm việc" tưởng chừng là tình cờ. Song với Cam Lạc, chính những cuộc trò chuyện đó đã giúp cậu "ăn điểm" và đây cũng là bí quyết ứng tuyển cho các bạn đang mong muốn theo đuổi nghề.
"Nghề trợ lý TikToker cần sự kín đáo và bảo mật. Nếu không phải là người tinh tế và kín đáo, thì khuyên bạn đừng nên apply. Muốn ghi điểm thì phải xây dựng được mối quan hệ chân thật, chứng minh mình là người thiện lành thì mới được tín nhiệm." - Cam Lạc mách nhỏ.
Cậu bạn còn nhấn mạnh: "Phải thực sự kết nối với nhau thì mới có thể làm việc cùng nhau, sự kết nối sẽ "trám" những kỹ năng mà bạn thiếu sót."
Cũng chính sự kết nối, tôn trọng dành cho talent mà cậu làm việc cùng giúp Cam Lạc giữ một cái đầu lạnh trước mọi drama. "Mình và các bạn trợ lý khác thường qua nhà bạn TikToker mỗi ngày để làm việc, tiếp xúc gần nên nếu có nghe được những chuyện riêng tư thì tips của mình là nếu thông tin đó không liên quan đến mình thì đừng đụng vào. Sự tín nhiệm, chuyên nghiệp của một trợ lý bắt đầu từ việc phải biết những thông tin nào nên chia sẻ, và thông tin nào thì không."
Trước định kiến phổ biến về việc "làm trợ lý là lo chạy việc vặt", Cam Lạc lấy những đầu việc mà mình đã thực hiện trong suốt 6 tháng để trấn an các bạn yêu thích công việc nhưng còn e dè vì định kiến: "Không biết những TikToker khác thì sao nhưng những đầu việc đến tay mình đòi hỏi chuyên môn đấy!"
Cậu bạn nêu rõ: "Mình đóng vai trò cùng sáng tạo với talent và mình vô cùng hạnh phúc với công việc, dù yêu cầu không hề dễ dàng. Mình cần phải hiểu thông số mạng xã hội, phải biết quản lý hình ảnh như thế nào, làm việc với các đối tác và phải biết cả phát triển chiến lược nội dung lẫn thực hiện nội dung (quay chụp, chỉnh sửa)."
Cam Lạc cũng nói về giai đoạn khó khăn và bài học xử lý sai sót trong công việc mà mình vô cùng tâm đắc: "Khoảng 1-2 tháng sau khi hoàn thành thử việc, lúc đó được tín nhiệm thì sẽ được giao nhiều việc hơn, dễ xảy ra sai sót như bị lỡ tin nhắn, trễ thời gian giao kịch bản.
Có lần, mình và cả đội ngũ đang quay cuồng sản xuất clip, bị trễ mất giờ đăng bài cho nhãn hàng. Những lúc như vậy, cách xử lý tốt nhất là mình phải bình tĩnh, học cách nói ra và thảo luận cùng team chứ nhất định không được lấp liếm. Từ đó, mọi người sẽ cùng nhau tìm hướng giải quyết, và mình nhận ra rằng giải pháp lúc nào cũng dễ hơn mình nghĩ rất nhiều!"
Cam Lạc chia sẻ thêm: Công việc trợ lý đem lại cho cậu thu nhập rất tốt so với mặt bằng chung lương sinh viên mới ra trường, tháng cao nhất lên đến 20 triệu đồng/tháng. Cũng là điều đương nhiên vì cậu bạn gần như luôn trong trạng thái làm việc. Hơn hết, đối với Cam Lạc, những kiến thức, kỹ năng mà cậu bạn có được từ công việc này còn giá trị hơn rất nhiều, không cần phát triển theo lộ trình nghề nghiệp thông thường, lại còn có thể cân nhắc nhiều lựa chọn ngành nghề khác nhau.
Học cách cân bằng cảm xúc khi nghe ti tỉ câu chuyện hậu trường ảnh hưởng đến tâm trạng
Viral với chuỗi video "Đi làm cùng talent" hút hàng triệu lượt xem và hơn 10k người theo dõi trong 2 tháng, @ciinxassistantdaily - kênh được vận hành bởi trợ lý của CiiN Bùi Thảo Ly đích thị là một hậu trường trực tuyến, đưa góc nhìn mới mẻ đến với khán giả.
Nội dung của kênh kể về những khó khăn trong nghề sản xuất nội dung cho kênh gần 15 triệu người theo dõi một cách "nhẹ tênh". Những khoảnh khắc làm việc thâu đêm suốt sáng của đội ngũ để kịp "chạy" hết các đầu việc được diễn giải tích cực, khiến người theo dõi công nhận sự chăm chỉ đem lại nội dung chất lượng cho khán giả.
"Cầm trịch" kênh là Phương Thi (sinh năm 2000, cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện của đại học FPT). Cùng trò chuyện với cô bạn, "chiếu cũ" gửi đến những "chiếu mới" - các bạn yêu thích, quan tâm đến công việc trợ lý cho nhà sáng tạo nội dung, những chiếc insight giá trị về một trong công việc hot nhất hiện tại.
Hành trình ứng tuyển của Phương Thi cho vị trí trợ lý không mấy khác biệt so với các công việc thông thường. Để chứng minh được sự phù hợp bản thân, Thi khéo léo chắt lọc các kinh nghiệm trước đây, điều chỉnh CV để thể hiện ra được những yếu tố khớp với mô tả công việc.
Thi chia sẻ: "Mình đã trải qua 2 lần phỏng vấn, lần đầu là với anh quản lý, lần hai là trò chuyện trực tiếp với talent. Chị ấy chỉ hỏi mình là "Mình có đồng hành với chị được lâu không?" Cô bạn cho biết thêm bí quyết vượt qua vòng phỏng vấn của mình là "hiểu được công việc, tự tin để nói về ưu điểm và khuyết điểm còn thiếu sót, thể hiện mong muốn được học hỏi trong môi trường chuyên nghiệp."
Vượt qua vòng phỏng vấn, chính thức trở thành một trợ lý cá nhân, Thi kể về những ngày đầu tiên làm việc: Dù cô bạn đã từng có kinh nghiệm trước đó khi cộng tác cùng một TikToker chuyên làm về nội dung trải nghiệm nhưng cũng không khỏi choáng ngợp trước khối lượng công việc khổng lồ mà mình vừa phải quán xuyến. Đã từng có kinh nghiệm nhưng vẫn không khỏi loay hoay, những chia sẻ của Thi dẹp bỏ những mộng tưởng của người theo đuổi nghề vì vẻ ngoài hào nhoáng, muốn được giao lưu người nổi tiếng, check-in sang chảnh.
Phương Thi "gói ghém" các đầu việc thường thấy là: Theo dõi lịch trình hàng ngày; Làm việc với đội ngũ hậu trường bao gồm đội ngũ trang phục, trang điểm; Theo sát các buổi quay, chụp với tần suất liên tục; Lên ý tưởng sáng tạo cho thương hiệu cá nhân của TikToker. Nghe thì đơn giản, nhưng bản chất các công việc trải dài từ thực thi, vận hành đến sáng tạo, còn thường xuyên phải xử lý đầu việc "không tên" một cách nhanh nhẹn, xông xáo với cả những công việc mà mình chưa từng thử qua đã để lại không ít tác động đến Phương Thi:
"Mình không biết được khi nào mình sẽ được nghỉ, mỗi ngày sẽ có ti tỉ thứ để mình làm, không bao giờ hết việc ngay cả khi thời gian mình ở nhà. Đi công việc sẽ xách rất nhiều đồ nên mình khá lo cho cái lưng của mình." - Thời gian và sức khỏe là hai điều vô cùng quý giá mà cô bạn đã phải đánh đổi khi theo đuổi công việc trợ lý.
Gần như không có sự tự do về mặt thời gian, đầu việc có thể phát sinh bất cứ lúc nào, lại còn đòi hỏi xử lý nhanh chóng - Nghề trợ lý thực sự không lý tưởng như những gì thể hiện bên ngoài.
Thi còn cho biết mình phải tiếp xúc với rất nhiều "câu chuyện hậu trường" ảnh hưởng đến tâm trạng khi làm việc. Song, nhờ sự giúp đỡ từ talent, cô bạn đang cố gắng học cách kìm nén cảm xúc hơn từng ngày.
Mất nhiều để học được nhiều, Phương Thi vẫn luôn nhiệt huyết, vui vẻ với công việc trợ lý. Cô bạn đã nỗ lực không ngừng để đổi lấy "phúc lợi" của công việc trợ lý TikToker như được làm quen nhiều nghệ sĩ, ekip chuyên nghiệp, được trải nghiệm nhiều tỉnh thành phố và ẩm thực.
Phương Thi nhắc đến tôn chỉ làm nghề của mình là: "Có tâm ắt có tầm": "Chúng mình cứ làm việc một cách nghiêm túc, cố gắng chịu khó và chịu học để trau dồi dần dần từ những thứ nhỏ nhất thì chúng ta sẽ có những thành quả xứng đáng."
Hải Yến