Trong một cuộc họp báo ngày 7-11, người phát ngôn Bộ Y tế Mohammad Syahril cho biết hơn 320 trường hợp mắc AKI đã được ghi nhận ở các tỉnh trên cả nước và 27 bệnh nhân vẫn đang nằm viện. Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng đều dưới 5 tuổi, theo Hãng thông tấn AFP.
Theo ông Syahril, các kết quả xét nghiệm cho thấy đa số ca tử vong có liên quan đến sử dụng loại siro chứa lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol. Đây là hai hợp chất được dùng như loại chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp.
Nhà chức trách đã nhập 246 lọ thuốc điều trị AKI, trong đó đa số do Singapore và Úc tặng. Những lọ thuốc này đang cho thấy kết quả điều trị tích cực.
Indonesia thường ghi nhận 2-5 ca AKI/tháng. Tuy nhiên, sau khi ghi nhận các trường hợp AKI tăng đột biến kể từ tháng 8, nhà chức trách đã mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Hồi tháng trước, Cơ quan giám sát thuốc và thực phẩm Indonesia (BPOM) đã xác định được năm loại siro chứa lượng chất độc hại ở mức nguy hiểm và ra lệnh thu hồi, tiêu hủy toàn bộ. Cảnh sát sau đó mở cuộc điều tra một số công ty dược phẩm trong nước, trong đó có hai công ty đã bị tước giấy phép sản xuất.
Các vụ trẻ em bị AKI bất thường ghi nhận đầu tiên tại Gambia. Quốc gia thuộc khu vực Tây Phi này báo cáo 70 trẻ tử vong nghi do liên quan đến thuốc siro nhập khẩu hồi tháng trước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau đó đã cảnh báo những ca tử vong gần đây tại Gambia có thể liên quan đến bốn sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh là Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.
Các sản phẩm của công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ này có chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glyco. Nhà chức trách Ấn Độ sau đó đã vào cuộc điều tra và yêu cầu công ty nói trên ngừng sản xuất các loại siro trong danh sách cảnh báo của WHO.