Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn và Vũ trụ Việt Nam (VACA), chiều tối nay (8/11), người yêu thích thiên văn ở Việt Nam sẽ có thể quan sát nguyệt thực toàn phần. Đây là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm nay.
Người yêu thích thiên văn tại Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần (hay còn gọi là trăng máu). Ảnh: NASA
Nguyệt thực toàn phần hay còn gọi là “trăng máu” (Huyết nguyệt) xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng) với Trái Đất nằm giữa.
Vào thời điểm này, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ Mặt Trời so với khi nó không đi vào khu vực này. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thẫm.
“Lần nguyệt thực này, nhiều nơi ở Việt Nam sẽ theo dõi được một phần pha toàn phần của nguyệt thực. Mặc dù nguyệt thực không hiếm nhưng việc quan sát được pha toàn phần vẫn là một điều khá đặc biệt đối với người yêu thích thiên văn”, ông Sơn chia sẻ.
Đây sẽ là nguyệt thực thứ 2 và cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Lần kế tiếp, người dân ở Việt Nam cũng như châu Á được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần là vào tháng 9/2025.
Lần nguyệt thực đầu tiên năm 2022 diễn ra vào ngày 16/5. Năm 2023 cũng sẽ có 2 nguyệt thực vào tháng 5 và tháng 10. Tuy nhiên, những lần nguyệt thực này người dân ở khu vực châu Á khó có cơ hội chiêm ngưỡng được pha toàn phần.
Ông Sơn cho biết, tại Hà Nội, hôm nay, Mặt Trăng mọc lúc 17h12, còn ở TP. Hồ Chí Minh là 17h22 (các tỉnh và thành phố khác có dao động một vài phút).
Như vậy, về lý thuyết thì người ở Hà Nội có thể theo dõi toàn bộ pha toàn phần của nguyệt thực vào thời gian trên. Tuy nhiên khi đó, nó mới bắt đầu xuất hiện ở chân trời nên về cơ bản là gần như không thể quan sát được.
Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này đối với hầu hết các tỉnh/thành của Việt Nam là sau 17h40, khi Mặt Trăng đã không còn quá thấp.
Riêng đối với những người quan sát sinh sống ở khu vực ven bờ biển phía Đông, Mặt Trăng mọc sớm hơn một chút và việc quan sát tới chân trời dễ dàng hơn nên có thể theo dõi nguyệt thực ngay từ thời điểm Mặt Trăng bắt đầu mọc.
Chủ tịch Hội thiên văn và Vũ trụ Việt Nam lưu ý, nguyệt thực hoàn toàn vô hại đối với mắt người, do đó bạn có thể nhìn trực tiếp vào nó mà không cần những dụng cụ chuyên dụng như kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát hiện tượng này.
Lịch trình chi tiết của hiện tượng nguyệt thực, tính theo giờ Việt Nam ngày 8/11/2022 (theo Timeanddate.com)
- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15h02
- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16h09
- Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 17h16
- Nguyệt thực cực đại: 17h59
- Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18h41
- Nguyệt thực một phần kết thúc: 19h49
- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20h56