Tài chính

Đồng Euro và bảng Anh tăng vọt, USD chững lại khi các tài sản rủi ro hấp dẫn nhà đầu tư

Kết quả một cuộc khảo sát hôm 7/11 cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư ở khu vực đồng euro đã được cải thiện trong tháng 11, lần tăng đầu tiên trong vòng 3 tháng, phản ánh kỳ vọng rằng thời tiết ở khu vực này gần đây ấm lên và giá năng lượng giảm sẽ giúp làm cho tình trạng căng thẳng trên thị trường khí đốt của lục địa này dịu lại trong mùa đông năm nay.

Các nhà đầu tư cũng phấn khích bởi kết quả công bố hôm 7/11 cho thấy sản xuất công nghiệp của Đức tháng 9 đạt mức tăng trưởng, trái ngược với tâm trạng bi quan trước đó của các nhà phân tích. Cụ thể, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết sản lượng công nghiệp trong tháng 10 tăng 0,6% so với tháng trước đó.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 7/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,26% lên 0,9986 USD, là mức cao nhất kể từ ngày 27 tháng 10, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,67% lên 1,1451 USD.

"Dữ liệu về sản xuất công nghiệp của Đức, cũng như chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng euro mà chúng ta đã có vào tuần trước không khủng khiếp đến mức như mọi người lo sợ, và thực tế GDP khu vực đồng euro quý 3/2022 tăng trưởng với tốc độ 0,2%", Kathy Lien, giám đốc điều hành của BK Asset Management, cho biết.

Chỉ số chứng khoán STOXX 600 của Châu Âu tăng 0,23%, khi các nhà giao dịch cho hay các nhà đầu tư vẫn đang đặt cược Trung Quốc sẽ giảm bớt các biện pháp chống COVID-19, mặc dù các quan chức nước này cho biết họ có kế hoạch giữ nguyên chính sách Zero COVID, bao gồm phong tỏa, cách ly và kiểm tra nghiêm ngặt.

Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của ngân hàng Rabobank, trụ sở ở London, cho biết: "Cuối tuần trước, rõ ràng tâm lý các nhà đầu tư có sự cải thiện rõ rệt khi thấy có những thông tin cho rằng Trung Quốc có thể xem xét lại chính sách Zero COVID của mình".

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 7/11 theo giờ Việt Nam 0,549% xuống 110,460. DXY đã mất gần 2% vào cuối tuần trước. sau khi có thông tin rằng chính sách COVID-19 của Trung Quốc sẽ có những thay đổi đáng kể trong những tháng tới.

"Trong tuần này không có nhiều sự kiện như tuần trước, thị trường không hoàn toàn xác định việc Fed tiếp theo sẽ thắt chặt tiền tệ như thế nào, tôi cho rằng hiện tượng USD giảm lúc này chỉ là một số hoạt động bán chốt lời", ông Lien nói.

Các nhà đầu tư cũng tiếp tục đánh giá báo cáo về việc làm của Mỹ, công bố hôm thứ Sáu (4/11), cho thấy các công ty đã bổ sung thêm 261.000 việc làm ​​trong tháng 10, nhiều hơn dự kiến, và tiền lương theo giờ tiếp tục tăng, bằng chứng cho thấy thị trường lao động vẫn còn eo hẹp.

Nhưng một số dấu hiệu cho thấy điều kiện thị trường lao động đang nới lỏng dần, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7%, làm dấy lên dự đoán Fed có thể sẽ xoay trục chính sách, là yếu tố cản trở đồng USD tăng.

Hôm thứ Sáu (4/11), 4 nhà hoạch định chính sách của Fed cũng cho biết họ vẫn sẽ xem xét một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn tại cuộc họp chính sách tiếp theo.

Đồng Euro và bảng Anh tăng vọt, USD chững lại khi các tài sản rủi ro hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 1.

Tại Trung Quốc, tác động của chính sách Zero COVID đối với nền kinh tế nước này một lần nữa thể hiện rõ ràng trong các số liệu thương mại được công bố vào 7/11, cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu bất ngờ giảm trong tháng 10, mức sụt giảm đồng thời đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2020.

Những dữ liệu này đã gây áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ, lùi xa khỏi mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần đạt tới ở phiên giao dịch liền trước.

Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ giảm 199 pip trong phiên 7/11, xuống 7,2126 CNY/USD, trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục chiến lược Zero COVID nghiêm ngặt của mình.

Phiên trước đó, thứ Sáu (4/11), thị trường đã dấy lên kỳ vọng rằng một số biện pháp hạn chế chống COVID-19 sẽ được giảm bớt, giúp đồng nhân dân tệ có mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm.

Một nhà giao dịch của một ngân hàng nước ngoài cho biết cam kết của chính phủ đối với chiến lược Zero COVID, những đợt bùng phát số ca nhiễm gần đây trên toàn quốc và dữ liệu kinh tế đi xuống đều ảnh hưởng đến đồng nhân dân tệ.

Trong khi đó, Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối khu vực châu Á của Mizuho Bank, cho biết: "Các số liệu thương mại báo hiệu cho triển vọng tăng trưởng quý 4 của Trung Quốc. Ông nói: "Nếu các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến việc mở cửa thương mại trở lại, dữ liệu yếu kém của Trung Quốc có thể được coi là tin tích cực để gây áp lực buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách COVID của mình."

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin mất mốc 21.000 USD và giảm mạnh xuống 20.710 USD, do có sự điều chỉnh sau đợt tăng giá gần đây. Tuy nhiên, với tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro, một số nhà phân tích kỳ vọng Bitcoin sẽ sớm trở lại mức 22.500 USD.

Đồng Euro và bảng Anh tăng vọt, USD chững lại khi các tài sản rủi ro hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 2.

Giá vàng duy trì gần sát mức cao nhất trong vòng 3 tuần do USD yếu đi trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu về lạm phát của Mỹ, sẽ công bố vào cuối tuần này, để đoán biết quy mô lãi suất của Fed.

Lúc kết thúc ngày 7/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng vững ở mức 1.677,04 USD/ounce, sau khi tăng hơn 3% lên mức cao nhất kể từ ngày 13/10 (1.681,69 USD) vào thứ Sáu tuần trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,4% lên 1.683,20 USD.

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: "Đồng USD yếu đi, lợi suất trái phiếu giảm nhẹ là những gì đang giúp vàng và toàn bộ những kim loại quý vững giá".

Tham khảo: Reuters, Coindesk

Cùng chuyên mục

Đọc thêm