Thời sự

Tăng phân tích dự báo nhằm giảm tác động của Fed tăng lãi suất

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN).

 

Khi đồng USD tăng giá do lãi suất USD tăng dẫn tới giá nhập khẩu các loại nguyên vật liệu và chi phí vốn vay của doanh nghiệp tăng lên. Những yếu tố này làm tăng chi phí sản xuất. Kinh tế nước ta có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng 1% sẽ làm cho chỉ số giá sản xuất tăng 2,06%. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ và đảm bảo khả năng cạnh tranh sản phẩm sản xuất trong nước.

Để hiểu rõ hơn tác động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm nay đến kinh tế Việt Nam, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này. 

Phóng viên: Từ đầu năm đến nay Fed đã liên tiếp 6 lần tăng lãi suất với tốc độ thắt chặt tiền tệ rất nhanh, xin ông cho biết nguyên nhân?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Dịch COVID-19 đã gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; suy giảm tổng cầu của các nền kinh tế. Hệ luỵ của đại dịch dẫn tới kinh tế thế giới năm 2020 so với cùng kỳ 2019 suy giảm 3,1%; trong đó, các nước phát triển suy giảm 4,5%; các nước mới nổi và đang phát triển giảm 2,1%.

Đặc biệt kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới năm 2020 suy giảm 3,5%, mức giảm sâu nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc. Kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong tháng 2/2020, một tháng trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Để xử lý thách thức bất thường của đại dịch, Chính phủ Mỹ đã đưa ra và thực thi các quyết định và hành động phi thường với chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng, các gói kích thích và cứu trợ mạnh mẽ. Kết quả là năm 2021, GDP của Mỹ tăng 5,7%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1984, cao hơn mức tăng trước đại dịch.

Tổng cầu tăng đột biến cùng với rối loạn chuỗi cung ứng đã gây nên lạm phát cao tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển. Động lực lạm phát bị đẩy mạnh hơn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga, một trong những nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất bị cô lập khỏi các thị trường phương Tây.

Lạm phát của Mỹ trong tháng 12/2021 đã ghi nhận mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng cao nhất và nhanh nhất trong vòng 40 năm, đưa lạm phát cả năm 2021 lên tới 5,3%.

Bước sang năm 2022, lạm phát đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ và người dân Mỹ khi tháng 1/2022 lạm phát tăng 7,5%; tháng 2/2022 tăng 7,9% - mức cao nhất kể từ tháng 1/1982 và đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp chỉ số lạm phát của Mỹ vượt ngưỡng 6%. Từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2022 lạm phát của Mỹ vượt mốc 8,2%, đặc biệt tháng 6/2022 lạm phát đạt đỉnh 9,1%.

Tình trạng lạm phát không kiểm soát được đang là một vấn đề đau đầu đối với Chính phủ Mỹ. Để kìm hãm và đưa lạm phát về sát mức lạm phát mục tiêu, từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã 6 lần tăng lãi suất, với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1980, đưa lãi suất liên bang lên mức 3,75 - 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008 và dự kiến sẽ đưa lên mức 4,5% vào đầu năm 2023. Trên quy mô toàn cầu, hầu hết các ngân hàng trung ương cũng đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế và giảm lạm phát.

Phóng viên: Thưa ông, khi Fed liên tục tăng lãi suất, tình hình thị trường tài chính thế giới ra sao?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Fed liên tục tăng lãi suất đưa đồng USD đang ở mức mạnh nhất trong hai thập kỷ, gây ra hỗn loạn bên ngoài nước Mỹ. Dự trữ ngoại hối của thế giới giảm 7,8%, tương đương với giảm 1.000 tỷ USD, hiện còn trên 12.000 tỷ USD. Nhiều ngân hàng Trung ương có mức ngoại hối giảm mạnh.

Tính theo USD, cổ phiếu toàn cầu giảm 25%, năm tồi tệ nhất kể từ những năm 1980. Cùng với khoản lỗ 40 triệu USD, có cảm giác tệ hại là trật tự kinh tế thế giới đang không hoạt động, toàn cầu hóa đi vào thoái trào và hệ thống năng lượng bị đứt gãy khi xảy ra khủng hoảng Nga-Ukraine. Tất cả điều này đánh dấu sự kết thúc của thời đại kinh tế yên bình trong những năm 2010.

Đại dịch đã “tàn phá” kinh tế thế giới, buộc nhiều quốc gia phải vay tài chính nhiều hơn. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng cao. Riêng năm 2022, khoảng 44 tỷ USD tiền nợ của một số nước nghèo nhất đến hạn phải thanh toán, lớn hơn dòng viện trợ nước ngoài mà các nước này có hy vọng nhận được, thế giới đang đối mặt với làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ.

Không chỉ thị trường tài chính đáng báo động, mà bên cung của thị trường hàng hoá thể hiện qua bức tranh của khu vực doanh nghiệp cũng phủ bóng đen u ám. Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang gặp không ít khó khăn trên nhiều lĩnh vực do khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng. Tôi nghĩ năm 2023 sẽ là năm rất khó khăn đối với doanh nghiệp.

Theo dự báo của công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade công bố mới đây, tình trạng vỡ nợ đang gia tăng trong năm 2022, sau khi đã giảm mạnh trong đại dịch, sẽ tăng tốc vào năm 2023 trên quy mô toàn cầu.

Châu Âu sẽ là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng; trong đó, đứng đầu là Pháp với tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp dự kiến tăng 46% và 29% trong các năm 2022 và 2023, tiếp theo là Vương quốc Anh với tỷ lệ 51% và 10%, Đức với 5% và 17%.

Phóng viên: Vậy kinh tế Việt Nam chịu tác động gì khi Fed liên tục tăng lãi suất, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Chỉ một biến động nhỏ trên thị trường tài chính thế giới có thể gây tác động lớn tới tình hình kinh tế -xã hội trong nước. Khi Fed liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với Việt Nam đồng (VND), tác động tiêu cực đến giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, gia tăng áp lực lạm phát.

Theo tính toán của IMF, khi đồng USD tăng giá 10% sẽ làm giá tiêu dùng ở các nền kinh tế khác tăng thêm trung bình khoảng 1%, tác động sẽ lớn hơn ở những nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Điều này cho thấy tác động rất mạnh tới lạm phát của các nước khi đồng USD tăng giá. 

Với 70% giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được thực hiện bằng đồng USD. Khi lãi suất USD tăng làm suy giảm tổng cầu thế giới, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, giá hàng hoá thế giới tăng sẽ tác động tiêu cực tới thương mại quốc tế của Việt Nam và sản xuất kinh doanh trong nước.

Hiện nay, trên một số lĩnh vực, đơn hàng xuất khẩu giảm so với trước. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.

Fed tăng lãi suất sẽ hút đồng USD từ khắp nơi về Mỹ. Các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi lãi suất USD tăng, tạo áp lực lên việc tăng lãi suất VND và tỷ giá để giữ ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế dòng tiền chảy ra bên ngoài, điều này đồng nghĩa với việc kinh tế nước ta phải lựa chọn, đánh đổi giữa các mục tiêu, chấp nhận suy giảm một phần tăng trưởng kinh tế.

Trong một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất điều hành, khiến cho mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên, cản trở khả năng vay vốn của doanh nghiệp cho sản xuất và đầu tư.

Đặc biệt, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi Fed tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.

Trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là thách thức rất lớn trong điều hành tỷ giá, lãi suất và tín dụng với mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Phóng viên: Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, theo ông, Fed tăng lãi suất tác động thế nào tới tăng trưởng của các ngành và toàn nền kinh tế?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hoạt động sản xuất của nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ 37% của toàn nền kinh tế; 50,98% của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó sản xuất của một số ngành phụ thuộc rất lớn như: Sợi, vải dệt thoi, sản phẩm dệt hoàn thiện phụ thuộc đến 80,75%; trang phục các loại 70,1%; sản phẩm linh kiện điện tử, máy tính 78%; thiết bị truyền thông 70,45%; da, lông thú và các sản phẩm liên quan 65,1%; Plastic và cao su 68,61%; thuốc các loại, hoá dược và dược liệu 49,11%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản 31,61…

Khi Fed tăng lãi suất, ngành kinh tế nào có tỷ lệ nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu càng cao, chịu tác động càng lớn. Khu vực chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc đến 50,98% vào nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ chịu tác động rất lớn, tăng trưởng của khu vực này sẽ chậm lại, làm giảm tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế.

Phóng viên: Vậy theo ông, trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, Việt Nam cần ứng phó ra sao để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế thế giới có nhiều biến động, với sự đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt của các quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường phân tích và dự báo để lường trước được diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khoá nhằm ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, thực hiện chính sách tỷ giá, lãi suất linh hoạt để bảo toàn dự trữ ngoại hối; chính sách tín dụng phù với với điều kiện thực tiễn của các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu và logistic tăng cao; thiếu vốn và lao động; các rào cản về thể chế, chính sách; lãi suất, tỷ giá tăng. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khoá đồng hành, cùng chiều với chính sách tiền tệ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp như giãn, hoãn, giảm thuế để doanh nghiệp giảm chi, đồng thời chia lửa với chính sách tiền tệ.

Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát…

Để tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế với những biến động khó lường của kinh tế thế giới, Chính phủ cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, số hóa, năng lượng xanh và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đầu tư vào các lĩnh vực này giúp cho nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn, qua đó giảm thiểu tác động từ việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm