Trong một văn bản gửi đối tác, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết thị trường thép đang trong giai đoạn suy giảm. Kể từ tháng 11/2022, hai lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và hai lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Hải Dương phải dừng hoạt động.
Đến đầu tháng 12, Hòa Phát có khả năng sẽ tạm dừng thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất.
“Chúng tôi tin rằng việc dừng hoạt động các lò cao để giảm sản lượng là biện pháp hợp lý để tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, văn bản của Hòa Phát Dung Quất có đoạn viết.
Hiện nay Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò luyện thép gồm 4 lò ở Dung Quất, hai lò ở Hải Dương và một lò ở Hưng Yên. Như vậy, quá nửa năng lực sản xuất thép của Hòa Phát phải dừng hoạt động vì tiêu thụ chậm.
Sản xuất thép là quá trình tích hợp đồng bộ, thường vận hành liên tục 24/7 trong cả năm, ngoại trừ trong giai đoạn bảo dưỡng và nâng cấp. Khi lò cao dừng hoạt động, các công đoạn sử dụng nước gang lỏng sau lò cao cũng phải ngừng theo.
Việc dừng hoạt động lò cao là một quyết định không dễ dàng với bất kỳ nhà sản xuất thép nào. Mỗi lần tạm dừng và khởi động lại lò cao có chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng và phải kéo dài nhiều tháng.
Trong tháng 10 vừa qua, Hòa Phát đã sản xuất 567.000 tấn thép thô, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42%. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, giảm 55% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.
Tại ngày 30/9 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận tổng giá trị hàng tồn kho gần 44.800 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.400 tỷ so với ngày đầu năm. Trong đó, giá trị tồn kho thành phẩm là khoảng 14.700 tỷ và tồn kho nguyên vật liệu là hơn 18.800 tỷ, lần lượt tăng 4,7% và giảm 5,5% so với 9 tháng trước.