Tài chính

Đứng trên vai "gã khổng lồ" Becamex IDC và VNPT, một cổ phiếu công nghệ Việt Nam tăng vọt lên đỉnh 24 tháng, NĐT xếp hàng chờ mua

Với nhiều kỳ vọng tích cực, cổ phiếu công nghệ vươn lên mạnh mẽ và trở thành từ khoá hot nhất trên thị trường hiện nay. Trong khi hàng loạt trụ cột lớn trong ngành như FPT, FOX, VGI, CMG tăng tốc lên vùng đỉnh lịch sử, cổ phiếu TTN của CTCP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT, mã TTN) cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng giá.

Cổ phiếu công nghệ này vừa đánh dấu phiên thứ hai bốc đầu tăng kịch trần lên 16.700 đồng/cp (chốt phiên 5/6) để leo lên vùng giá cao nhất trong 24 tháng qua. Đà tăng chóng mặt của TTN xuất hiện từ đầu tháng 3, mức tăng ghi nhận hơn 100% chỉ sau ba tháng. Dù giá đã tăng nóng nhưng cổ phiếu này vẫn "cháy hàng" với dư mua giá trần lên đến gần 900 nghìn đơn vị trong phiên 5/6.

Đứng trên vai "gã khổng lồ" Becamex IDC và VNPT, một cổ phiếu công nghệ Việt Nam tăng vọt lên đỉnh 24 tháng, NĐT xếp hàng chờ mua- Ảnh 1.

Mặc dù quy mô doanh nghiệp này vẫn rất khiêm tốn so với các ông lớn cùng ngành, song đà tăng bốc của cổ phiếu cũng đưa vốn hoá thị trường TTN tăng gấp đôi chỉ sau vài tháng lên mức 613 tỷ đồng.

Đứng trên vai hai "ông lớn" Becamex IDC và VNPT

Theo giới thiệu trên website, CTCP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam được thành lập năm 2008 với sự góp vốn của ba cổ đông sáng lập chính, gồm Becamex IDC, VNPT và BIDV. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, Becamex là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,59%. VNPT xếp thứ hai với tỷ lệ sở hữu 5,45%. Theo sau là Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật với tỷ lệ 4,63% cổ phần TTN.

Đứng trên vai "gã khổng lồ" Becamex IDC và VNPT, một cổ phiếu công nghệ Việt Nam tăng vọt lên đỉnh 24 tháng, NĐT xếp hàng chờ mua- Ảnh 2.

Khởi đầu với nhiệm vụ cơ bản là cung cấp dịch vụ viễn thông, IT (ICT) cho nhà đầu tư tại các khu công nghiệp của Becamex, đến nay VNTT đã trở thành đơn vị đáp ứng nhu cầu toàn diện trên 4 mảng chính là Viễn thông, Giải pháp ICT Trung tâm dữ liệu và Cơ điện của các doanh nghiệp tại KCN thuộc Becamex và KCN VSIP khắp cả nước.

Trong đó, mảng viễn thông được VNTT triển khai đồng bộ hạ tầng cáp quang trên nền công nghệ với dịch vụ nổi bật như Truyền hình MyTV, J Wifi. Ngoài ra, Trung tâm dữ liệu eDatacenter tại tỉnh Bình Dương được VNTT đầu tư và khai thác năm 2013 là một trong 4 trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước, cung cấp các dịch vụ ICT cho thuê máy chủ, sao lưu dữ liệu, Cloud & CDN theo tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2019, VNTT gây chú ý khi hợp tác cùng Tập đoàn Viễn thông NTT East (Nhật Bản) để xây dựng mạng Internet theo chất lượng Nhật Bản nhằm nâng cao dịch vụ băng thông Internet, phát triển dịch vụ mạng Wifi đám mây, góp phần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tại Thành phố mới thông minh tại Bình Dương. 

Hiện VNTT đang trong giai đoạn phát triển và triển khai các giải pháp quản lý thông minh trong các khu công nghiệp do Becamex đầu tư trên khắp cả nước, điển hình là phần mềm quản lý Trung tâm điều hành thông minh IOC Bình Dương, IOC Becamex,…

Kinh doanh ổn định nhờ sở hữu lợi thế đặc biệt

Không chỉ có được nguồn khách hàng lớn từ Becamex, VNTT còn có lợi thế nhờ địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Bình Dương - nơi thu hút vốn đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Nhờ sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, VNTT có nền tảng kinh doanh khá ổn định với doanh thu trên 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 30 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 363 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ hoạt động viễn thông vẫn giữ vai trò chủ lực với 49%, điện tử hạ tầng viễn thông xếp sau với 33% và dịch vụ Datacenter 11%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 33 tỷ đồng, đi ngang so với mức thực hiện năm trước.

Khép lại quý 1/2024, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 13 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ nhờ mảng dịch vụ viễn thông và dịch vụ datacenter đều duy trì mức tăng trưởng tốt. Cho cả năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 365 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng.

Đứng trên vai "gã khổng lồ" Becamex IDC và VNPT, một cổ phiếu công nghệ Việt Nam tăng vọt lên đỉnh 24 tháng, NĐT xếp hàng chờ mua- Ảnh 3.

Với nền tảng cốt lõi là công nghệ đa ngành (Viễn thông - Công nghệ thông tin - MEP), VNTT đang hướng đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và đưa các giải pháp và dịch vụ của mình ra các thị trường như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Công ty xác định năm 2024 sẽ là năm bản lề trong định hướng phát triển hệ sinh thái kiểu mới theo hướng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực hạ tầng thông minh và chuyển đổi số nhằm tạo ra động lực tăng trưởng cho 3 năm tiếp theo (2025-2028). Theo đó, VNTT sẽ nghiên cứu triển khai 5G và các giải pháp cho KCN thông minh tại Bình Dương, mở rộng dịch vụ viễn thông ra vùng ven của các khu vực hiện tại, gia tăng doanh thu tối đa từ nhóm khách hàng hiện hữu trong "hệ sinh thái" Becamex. 

Đặc biệt, trong 5 năm tới, doanh nghiệp đặt mục tiêu ký được hợp đồng quản lý, vận hành, bảo trì cho tất cả các công trình/dự án cơ điện thuộc hệ sinh thái BCM/VSIP để thay thế cho mảng thi công đang bị thu hẹp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm