Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Viettel Construction: Chốt chia cổ tức 2023 bằng tiền mặt 27,2%, sẽ có đề án tăng vốn giai đoạn 2024-2025

Chiều 24/4, Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.

Phát biểu tại đại hội,  Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Mạnh Hùng cho biết trong năm 2023, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, sức mua yếu dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong ngành bán lẻ và gây khó khăn trong kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận đối với mảng giải pháp tích hợp của CTR.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản còn khó khăn nên mảng xây dựng dân dụng không có đủ điều kiện để tăng trưởng đột biến trong năm 2023. Mặc dù quy hoạch điện VIII đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn và chính sách liên quan nên Viettel Construction chưa có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện đầu tư các dự án mới và kinh doanh giải pháp về năng lượng mặt trời.

Về thuận lợi, năm 2023 tình hình kinh doanh của Tập đoàn Viettel có nhiều thuận lợi nên Viettel gia tăng đầu tư cho hạ tầng trạm viễn thông, tốc độ tăng hạ tầng và phát triển định băng rộng duy trì ở mức 4 - 15%.

Tổng doanh thu năm 2023 đạt 11.398 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 và bằng 110% so với kế hoạch đặt ra là 10.338 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 515,9 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch đề ra nhưng giảm 8% so với năm 2022.

Với kết quả đạt được, cổ đông đã thông qua các tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận. Trong đó, công ty trả cổ tức hoàn toàn bằng tiền mặt với tỷ lệ 27,2% (311 tỷ đồng) ; trích quỹ đầu tư phát triển 100 tỷ đồng, trích quỹ khen thưởng phúc lợi 125 tỷ đồng.

Năm 2024, Viettel Construction đặt kế hoạch doanh thu 12.653 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 531,7 tỷ đồng, cao hơn 3% so với năm ngoái.  

ĐHĐCĐ Viettel Construction 2024 . (Ảnh: H.A).

Phiên thảo luận:

Tại sao kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 lại tăng thấp hơn nhiều so với doanh thu? Việc tham gia vào hai dự án lớn là Dự án đường dây 500kV mạch 3 và việc cung cấp cáp quang cho cao tốc Bắc - Nam được thực hiện đến đâu?

Tổng Giám đốc Phạm Đình Trường: Mục tiêu lợi nhuận 2024 thấp hơn so với các năm vừa qua do tình hình thế giới bất ổn, nguyên tắc làm việc của HĐQT và Ban điều hành là phải hoàn thành tốt hơn kế hoạch đề ra. Vì vây, dựa vào tình hình thực tế, chúng tôi đều cập nhật kết quả kinh doanh hàng tháng. Như quý I vừa qua chúng tôi làm tốt hơn so với kế hoạch đề ra.

Thứ hai là công ty chưa tăng được vốn điều lệ, nếu doanh thu và lợi nhuận tăng cao thì sẽ gây bất lợi cho các chỉ số tài chính.

Trong 5 năm tiếp theo, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% doanh đến từ tất cả các lĩnh vực.

Vừa qua, Viettel đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 2.500 - 2.600 MHz để phục vụ thương mại hóa công nghệ di động 5G nên từ năm sau CTR sẽ bắt đầu triển khai. Ngoài Viettel, VNPT cũng trúng đấu giá băng tần 3.700 – 3.800 MHz.

Tuy nhiên, xu hướng của các nhà mạng là dùng chung hạ tầng. Do đó, công ty sẽ là đơn vị cung cấp hạ tầng cho cả Viettel và các nhà mạng khác.

Về Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên), hiện tại công ty chưa có năng lực xây dựng công trình hạ tầng điện nên hiện đang tham gia với vai trò nhà thầu.

Liên quan đến đấu thầu cáp Quang dự án cao tốc Bắc - Nam, chủ trương đã được Bộ GTVT thông qua. CTR sẽ tham gia đấu thầu, dự kiến gói thầu khoảng 400 tỷ đồng và doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Kế hoạch triển khai dự án này sẽ bám theo tiến độ của Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Việc tăng vốn càng sớm càng tốt, tại sao CTR lại chia cổ tức hoàn toàn bằng tiền mặt?

Chủ tịch HĐQT Ông Đỗ Mạnh Hùng: Về việc tăng vốn, chúng tôi cũng có tính toán dự kiến sẽ có đề án tăng vốn trong năm nay hoặc 2025. Kết thúc năm 2022, CTR có dự kiến chi trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu nhưng tầm giữa năm Uỷ ban Chứng khoán không đồng ý với yêu cầu đó.

Do là doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên chỉ được chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2023, chúng tôi có đề xuất thêm quỹ đầu tư phát triển chiếm khoảng 15% lợi nhuận, quỹ phúc lợi khen thưởng tỷ trọng từ 15% lợi nhuận tăng lên 25%.

Các quỹ này sẽ làm thay đổi một chút EPS. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, công ty có nguyên tắc đặt mục tiêu phải thận trọng và chắc chắn nhưng năm 2024 dù đặt thận trọng vẫn phải nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, khoản chi phí phúc lợi cho nhân viên là hợp lý.

Kế hoạch Go Global của CTR cụ thể như thế nào?

Tổng Giám đốc Phạm Đình Trường: Năm 2023, Viettel Construction đẩy mạnh kết nối các quỹ đầu tư để cung cấp thông tin và mong muốn thông qua các quỹ đầu tư toàn cầu tìm kiếm các thị trường phù hợp với chiến lược mở rộng của mình. Viettel Construction cũng đã mở văn phòng đại diện tại Australia.

Như Tập đoàn Viettel, nếu bây giờ mới tiến ra thế giới thì đã là muộn. Vì vậy, muốn tiến ra thế giới cần làm sớm, ngay từ bây giờ.

Chiến lược 5G sẽ được CTR triển khai ra sao?

Chủ tịch HĐQT Ông Đỗ Mạnh Hùng: 5G là câu chuyện của tương lai, đây là cơ hội để công ty chiếm lĩnh mảng vận hành cho thuê. Đây là khoảng thời gian thách thức nhưng cũng rất thú vị. Viettel Construction xác định tốc độ tăng trưởng sẽ đạt ít nhất 10%/năm. 

Việc đầu tư cho 5G là chắc chắn và chưa kể nếu Tập đoàn Viettel có những phương án hợp tác tốt thì công ty sẽ đầu tư hệ thống nguồn cho 5G. Đây cũng là cơ hội rất tốt khi triển khai 5G, ít nhất về số trạm, số vị trí hạ tầng cho 5G là "cửa" phát triển rất chắc chắn của CTR trong các năm tới.

Từ nay đến 2030, xu hướng Tập đoàn Viettel đặt trọng tâm vào 5G rất rõ ràng, hiện CTR đã bắt đầu triển khia từ năm nay. CTR sẽ là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai hạ tầng 5G. Chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội để Tập đoàn Viettel phát triển trong 5 -10 năm tiếp theo.

Vì vậy, việc hợp tác với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có tiềm lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng là điều CTR luôn sẵn sàng. Khi 5G đủ độ chín thì hạ tầng công trình lại có thể là tài sản có giá trị trong tương lai.  

Tổng Giám đốc Ông Phạm Đình Trường: Càng tiến đến 4G, 5G thì số trạm càng phải gần nhau, do đó xu thế là càng ngày càng phải tăng số trạm. Hàng năm cũng có những trạm bị di dời do điều kiện khách quan nên vẫn sẽ có biến động.

Năm 2024, CTR dự kiến triển khai 7.000 vị trí trạm, rải đều trên cả nước. Về hiệu quả, giá cho thuê dựa trên chi phí đầu tư nên đầu tư cao giá cho thuê sẽ cao. Hiện nay, tỷ lệ cho thuê dùng chung trạm BTS đạt 1,03 tức 100 trạm thì có ba trạm dùng chung và xu thế sau này cũng càng tăng. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm