Sáng 21/6, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.
Trong năm 2024, Vietnam Airlines dự báo thị trường hàng không sẽ có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường hàng không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Đối với thị trường quốc tế đi đến Việt Nam, thị trường dự kiến vẫn chưa thể đạt được mức trước dịch do lo ngại về suy thoái kinh tế, xung đột chính trị Nga - Ukraine, Israel - Hamas chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và mất giá đồng tiền bản tệ tại các thị trường chính (Nhật bản, Hàn Quốc, châu Âu) khiến sức mua của khách hàng, nhu cầu du lịch nước ngoài suy giảm.
Theo hãng hàng không quốc gia, thị trường Trung Quốc (thị trường khách lớn thứ 2) phục hồi rất chậm, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách xuất nhập cảnh từ đầu năm 2023
Trước diễn biến khó lường, Vietnam Airlines đưa ra hai kịch bản trong năm nay. Tại kịch bản tích cực, công ty dự kiến khách tổng thị trường tăng 19,9% so 2023 và phục hồi được 92% so 2019; Kịch bản trung bình, dự kiến khách tổng thị trường tăng 13% so 2022 và phục hồi được 87% so 2019.
Đối với thị trường nội địa, Vietnam Airlines cho rằng, môi trường vĩ mô về tình hình kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, việc quá tải về cơ sở hạ tầng của các sân bay vẫn tiếp tục diễn biến trầm trọng.
Hãng hàng không quốc gia đưa ra hai kịch bản: Kịch bản cao là các giải pháp vĩ mô được triển khai mạnh, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, các hãng có phương án bù đắp tải cung ứng. Dự kiến khách tổng thị trường tăng 2,5% so 2023 và tăng 10% so 2019.
Kịch bản trung bình là các giải pháp kích cầu có tác động chậm, sức mua của người dân chưa được cải thiện rõ rệt, các hãng không có phương án bù đắp tải cho phần thiếu hụt về nguồn lực tàu bay. Dự kiến khách tổng thị trường giảm 5,8% so 2023 và tăng 1,3% so 2019.
Về sản lượng vận chuyển, Vietnam Airlines dự kiến năm 2024 sẽ vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so với 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng, giảm 15,6% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019.
Với các yếu tố trên, năm 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.233 tỷ đồng.
Giá nhiên liệu bay kế hoạch 2024 báo cáo ĐHĐCĐ khoảng 104 USD/thùng trên cơ sở tham khảo dự báo mức giá dầu thô Brent theo một số tổ chức tài chính quốc tế (khoảng 80 USD/thùng) và khoảng crack giữa dầu thô và nhiên liệu bay (khoảng 30%).
Theo hãng bay, với sản lượng khai thác như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng sẽ làm chi phí khai thác của công ty thay đổi khoảng 230 tỷ đồng/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không.
Phấn đấu đến năm 2025 hết âm vốn chủ
Chia sẻ tại đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho rằng, mâu thuẫn địa chính trị ảnh hưởng đến ngành hàng không trên thế giới không chỉ ở Việt Nam. Nhà nước và Chính phủ có nhiều hỗ trợ cho Vietnam Airlines như giảm thuế phí bảo vệ môi trường, phí cất hạ cánh.... Ví dụ như gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, 4.000 tỷ đồng cho vay, 8.000 tỷ đồng tăng vốn.
Song, vị lãnh đạo hãng không quốc gia cho rằng yếu tố nội lực tự thân vẫn là quan trọng nhất trong tiến trình phục hồi và phát triển của Vietnam Airlines. Trong 4 năm qua, Vietnam Airlines đã kiện toàn bộ máy, cắt giảm nhân sự và đã tiết kiệm được hơn 42.000 tỷ đồng. Đồng thời, tổng công ty đã liên tục đàm phán với chủ nợ để giãn, hoãn thanh nợ và các bên cho thuê máy báy để có được chi phí rẻ hơn.
Theo ông Đặng Ngọc Hoà, thời điểm khó khăn nhất của ngành hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines đã qua. Từ quý I/2024, tình hình kinh doanh của công ty đã dần được cải thiện. Vietnam Airlines kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế.
Đối với cổ phiếu HVN, công ty sẽ cố gắng để cổ phiếu trở lại giao dịch bình thường bằng giải pháp nội lực và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.
Giải đáp câu hỏi của cổ đông về tiến trình phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu. Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cho rằng sẽ tiến hành theo hai hình thức. Một là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hai là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Việc này sẽ giúp công ty bổ sung dòng tiền hoạt động, đảm bảo vốn dài hạn trong thời gian tới và tiết kiệm chi phí khi không phải đi vay thêm.
Giá vé máy bay tăng trong mức độ hợp lý
Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ là vé máy bay tăng cao trong thời gian gần đây. Ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, việc tăng giá máy bay không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở mức độ toàn cầu.
Theo ông, trên thế giới giá vé máy bay đã tăng từ cuối năm 2022 nhưng Việt Nam đến đầu năm 2024 mới bắt đầu tăng. Mức tăng trên thế giới còn lớn hơn Việt Nam, lên đến 30% trong giai đoạn 2022.
Trong 4 tháng đầu năm nay, giá vé máy bay ở nước ta tăng 15- 17% và tuỳ thuộc ngày bay, giờ bay.
Theo lãnh đạo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá vé may bay tăng như chi phí trả cho nguyên vật liệu và chênh lệch tỷ giá. Hai chi phí này cộng lại khoảng 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác như đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề địa chính trị.
Theo Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc tăng giá vé máy bay ở Việt Nam chỉ bù đắp được một phần chi phí nhưng không đủ để tích luỹ để cho những rủi ro trong tương lai. “Chúng ta không thể tăng giá hơn nữa vì có quy định về giá trần, thứ hai là sức mua ở Việt Nam vẫn còn yếu. Thứ ba, Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước phải làm hài hoà lợi ích giữa các bên ", ông Tuấn chia sẻ.
Vì thế, vị lãnh đạo cho rằng, giá vé máy bay tăng thời gian qua có tăng nhưng tăng trong trong mức độ hợp lý, kiểm soát được và nằm trong tính hài hòa nhất.