Mục tiêu đó được các cổ đông của Vietnam Airlines thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của doanh nghiệp này vào sáng 21-6.
Phát biểu tại đại hội cổ đông, ông Lê Hồng Hà - tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết năm 2024, tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn còn tiếp tục khó khăn ảnh hưởng đến các hãng hàng không.
Cụ thể, xung đột giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh tế toàn cầu.
Giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao khoảng 104 USD/thùng làm chi phí khai thác tăng. Thực tế, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng làm chi phí khai thác của hãng thay đổi khoảng 230 tỉ đồng/năm.
Trong khi đó, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên các máy bay A321 và A320 Neo gây thiếu hụt máy bay đến năm 2025 ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay.
Các yếu tố trên tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.
Cân nhắc các yếu tố trên, Vietnam Airlines đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với mục tiêu dự kiến vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so với cùng kỳ và bằng 99% so với năm 2019.
Mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 của hãng là 105.946 tỉ đồng (tăng 113,6%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 4.524 tỉ đồng, lợi nhuận của công ty mẹ 105 tỉ đồng.
Về kế hoạch tài chính, Vietnam Airlines thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.
Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (khoảng 1.700 tỉ đồng) để bổ sung thu nhập và dòng tiền. Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi; trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỉ đồng và hợp nhất là 4.524 tỉ đồng.
Với dự kiến đạt lợi nhuận năm 2024 khoảng 105 tỉ đồng, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu cuối năm 2024 của Vietnam Airlines được cải thiện nhẹ, tỉ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu đạt mức dương 0,13%.
Nếu đạt kết quả sản xuất kinh doanh trên, Vietnam Airlines dự kiến duy trì được cân đối dòng tiền trong năm, dư tiền cuối kỳ khoảng 517 tỉ đồng, khả năng thanh toán ngắn hạn được cải thiện nhẹ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của những năm có đại dịch COVID-19 nên nhìn chung tình hình tài chính của Vietnam Airlines cuối năm 2024 vẫn ở trạng thái mất cân đối trầm trọng với vốn chủ sở hữu công ty mẹ dự kiến âm khoảng 8.237 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hợp nhất âm khoảng 17.948 tỉ đồng.
Cùng với mục tiêu cân đối thu chi vào năm 2024, Vietnam Airlines tiếp tục triển khai tái cơ cấu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 để khắc phục âm vốn chủ sở hữu, xóa lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo. Các giải pháp tái cơ cấu tập trung hoàn thành thoái vốn tại một số công ty thành viên và trình cấp thẩm quyền về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn. Đồng thời hãng đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ chức, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn lực.
Năm 2023 Vietnam Airlines đạt 93.265 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Mức lỗ hợp nhất trước thuế 5.583 tỉ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.
Quý 1 năm 2024 Vietnam Airlines đạt lợi nhuận sau thuế 4.441 tỉ đồng (quý 1 năm 2023 âm 37,3 tỉ đồng), trong đó lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Vietnam Airlines là 1.499 tỉ đồng.