Số tiếp theo của DxTalks có chủ đề "Thúc đẩy ngành vận tải biển và giao vận bằng công nghệ số", chia sẻ những câu chuyện xoay quanh cách công nghệ thay đổi lĩnh vực logistics. Diễn giả số này gồm ông Cáp Trọng Cường, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam Viconship; ông Đỗ Huy Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog. Dẫn dắt buổi chia sẻ là ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital.
Mở đầu chia sẻ, ông Cáp Trọng Cường nhìn lại bức tranh ngành vận tải biển suốt thời gian qua. Ông cho rằng trước đây ngành đối diện với thực trạng buồn là giá logistic trong nước cao nhưng các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực chỉ hưởng mức lợi nhuận rất thấp. Nguyên nhân do vận hành công kềnh, năng suất kém và phải thuê vận tải quốc tế giá cao. Khi các đơn vị nước ngoài đến Việt Nam, doanh nghiệp nội càng thua thiệt nhiều mặt. Điểm thua thiệt đầu tiên là quy trình, tiếp theo là công nghệ. Lãnh đạo Viconship ví giai đoạn khoảng 20 năm trước như đang làm thuê trên chính sân nhà.
Tuy nhiên, điều này dần thay đổi khi các doanh nghiệp và một số tập đoàn lớn bước vào sân chơi, tạo ra những công cụ, phần mềm hỗ trợ.
Ông Cường kể lại thời điểm 20 năm trước khi FPT hỗ trợ Viconship những công nghệ đầu tiên như TMS (Transport Management System - phần mềm quản lý vận tải). Thời điểm đó, TMS chưa thể hoạt động, cập nhật theo thời gian thực. Tuy nhiên, chỉ với phần mềm đơn giản, cộng với cách phân bổ hợp lý, Viconship thành công nâng cao năng suất, giảm lượng công nhân khi vận hành cảng ở Hải Phòng. "Nhờ công nghệ mà năng suất chúng tôi cao hơn đối thủ, chủ yếu là do thời gian giải phóng tàu nhanh hơn", ông Cường nói.
Cũng nhờ áp dụng phần mềm, biên lợi nhuận Viconship tăng cao hơn. Đồng thời, đơn vị sang các nước như Singapore, Thái Lan học tập, tìm hiểu công nghệ áp dụng trong khâu nhận, xuất hàng, quản lý vận hành kho bãi. Theo ông Cường, kết quả của quá trình đầu tư là cắt giảm được chi phí, tăng mức độ cạnh tranh. "Ứng dụng số thời đó giúp giảm rất nhiều tỷ lệ sai sót", đại diện Viconship khẳng định.
Tóm lược sự phát triển của ngành vận tải biển ở Việt Nam, ông Cáp Trọng Cường nói sau hai thập kỷ, công nghệ đã vượt bậc và ứng dụng trong mọi khâu. Ví dụ, quy trình thông quan trước đây hai ngày đã là thành công. Đến nay, quy trình này có thể diễn ra trong 20 phút, nhiều nhất là 8 tiếng.
Trên vai trò là công ty công nghệ trong ngành logistics, ông Đỗ Huy Bình, Tổng giám đốc Smartlog có những góc nhìn khác khi đồng hành, cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp. Theo ông, chuyển đổi số với logistics là hành trình gian nan vì mức độ chấp nhận và đầu tư không cao như ngành sản xuất hay bán lẻ. Nguyên nhân xuất phát từ việc biên lợi nhuận thấp, quy trình rộng. Năng lực công nghệ của đội ngũ chưa cao.
Bên cạnh rào cản, ông Bình cho rằng điểm may mắn là việc khách hàng, chủ hàng của doanh nghiệp logistic cũng đang chuyển đổi số. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp phải đi theo để bắt kịp tốc độ phát triển. Nắm bắt điều này, Smartlog và các doanh nghiệp cùng nhau tạo ra hệ thống đầu tiên, giúp giám sát tiến độ giao hàng. Từ những phản hồi, đơn vị tiếp tục cải tiến, cho ra đời nhiều sản phẩm, công nghệ hơn. Đến nay, Smartlog đồng hành chuyển đổi số cho hơn 100 doanh nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp nhỏ.
"Chúng tôi cố gắng tạo ra nền tảng số để mọi người có thể hợp tác cùng phát triển. Hành trình này còn nhiều rào cản nhưng chúng tôi đang nỗ lực vượt qua", ông Bình nói.
Đồng tình với chia sẻ của ông Bình, ông Cáp Trọng Cường khẳng định khó khăn trong chuyển đổi số vẫn tồn tại nhưng không thể phủ nhận lợi ích. Theo ông Cường, doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng áp dụng công nghệ số hóa để không bị tụt hậu do yêu cầu về năng suất và độ chính xác ngày càng cao. Ngoài ra, các đơn vị cần xây dựng hệ thống thông tin và kết nối cộng đồng trong lĩnh vực để tăng hiệu quả và chia sẻ thông tin hiệu quả hơn.
Tiếp tục phần chia sẻ, các diễn giả khẳng định điều doanh nghiệp còn thiếu là tư duy đưa sản phẩm ra toàn cầu - điều đã có ở các đơn vị của Malaysia hay Indonesia, Thái Lan. Tư duy này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp số hóa toàn diện. Các bên cũng cần thống nhất để tạo ra các bộ quy chuẩn chung để cùng nhau phối hợp, chia sẻ thông tin, đảm bảo an toàn dữ liệu.
Nội dung buổi Dx Talks sau đó mở ra góc nhìn mới về chuyển đổi số, song hành chuyển đổi xanh. Ông Cáp Trọng Cường cho biết đây là hai xu hướng gần như bất buộc trên thị trường hiện nay. Với lĩnh vực hàng hải, khi doanh nghiệp có quy mô càng lớn, mạng lưới đối tác toàn cầu, yêu cầu về chuyển đổi xanh càng bắt buộc để thỏa các tiêu chuẩn từ những thị trường này.
Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình, vận hành, cắt giảm giấy tờ. Chuyển đổi xanh đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Với ngành hàng hải, ông Cường ví dụ có thể dùng điện thay thế diesel, cung cấp nguồn điện cho tàu khi cập bến để giảm phát thải."Việc kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai", diễn giả nhận định
Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cho rằng hai xu hướng trên thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi quá trình chuyển đổi nội tại của đơn vị đồng thời cần có sự tham gia của toàn bộ chuỗi cung ứng. Một trong những thách thức là mức độ, hiệu quả sử dụng hệ thống công nghệ thông tin. Cụ thể là năng lực thay đổi, nâng cấp, điều chỉnh hệ thống để có thể kết nối được toàn bộ thông tin trên toàn chuỗi giá trị về logistics. Điều này nhằm mang lại những giá trị tốt nhất cho mỗi đơn vị trong hệ thống. Đó cũng là lợi ích mới đem lại khi chuyển đổi số một cách toàn diện.
Diễn giả cho rằng chuyển đổi số là công cụ phục vụ quá trình xanh hóa. Ngành vận tải có lượng phát thải carbon lớn bậc nhất, bao gồm tàu biển, ôtô, xe tải, xe máy. Chuyển đổi số giúp đo lượng phát thải carbon từ đó đề ra giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể chuyển giao hàng từ ban ngày sang ban đêm để sử dụng xe tải lớn vào thành phố, giảm lượng carbon nhiều hơn so với xe tải nhỏ. Các đơn vị nên đặt mục tiêu giảm phát thải thông qua giảm lượng xe hay quãng đường.
Một khía cạnh khác cũng được chia sẻ là bài toán nhân lực. Quá trình chuyển đổi số phải có sự đồng hành từ chuyên gia và nhân sự phải được đào tạo, giúp nhân sự xây dựng năng lực về công nghệ, nhìn được lỗ hổng của quy trình từ đó đưa ra giải pháp. Diễn giả mong trong tương lai sẽ có nhiều cơ sở đào tạo, chương trình học chuyên sâu trong lĩnh vực logictics, nhất là về kỹ thuật và phân tích. Các chương trình học cần đào sâu về khoa học dữ liệu, phân tích, thống kê để người học có năng lực đào sâu gốc rễ của vấn đề.
"Nếu không được trang bị những kỹ năng này, nhân sự sẽ làm như những cái máy mà không thể đào sâu, thấu hiểu, khắc phục, cải tiến toàn diện", diễn giả đánh giá.
Kết thúc buổi Dx Talks các diễn giả khẳng định thách thức luôn tồn tại. Ngành logistics và vận tải biển tại Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, ứng dụng những nền tảng công nghệ mới trong chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp từng bước tối ưu vận hành, cải thiện trải nghiệm khách hàng cũng như khởi tạo các mô hình kinh doanh mới, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.