Câu chuyện Moca - ví điện tử chủ yếu trên ứng dụng Grab - thông báo ngừng dịch vụ từ 1/7 tại Việt Nam với lý do nhằm "thực hiện chiến lược tái cấu trúc", tuy rằng việc Moca dừng lại để tái cấu trúc có thể nằm trong tính toán của doanh nghiệp nhưng phần nào cũng phản ánh cuộc đua khốc liệt, mục tiêu giành thị phần ví điện tử tại Việt Nam.
Một chuyên gia trong ngành cũng cho biết, việc Grab buông mảng thanh toán, bên cạnh lý do vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trung gian thanh toán, còn có thể nhằm mục tiêu tối ưu lợi nhuận trong bối cảnh ví điện tử vẫn là mảng "đốt tiền".
So sánh với ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn được ví von là "cuộc đua đốt tiền" được ăn cả ngã về không của các "ông lớn" bởi biên lợi nhuận vô cùng thấp. Dù khốc liệt đến mức nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải rút lui, đơn cử như các trang thương mại điện tử Adayroi, Lotte.vn, Robins.vn,VuiVui... hay hồi đầu năm nay là Baemin - ứng dụng giao đồ ăn của startup kỳ lân Woowa Brothers đến từ Hàn Quốc. Thế nhưng, sau một thời gian dài "đốt tiền", hai đơn vị dẫn đầu các sàn thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe trực tuyến ở Việt Nam là Shopee và Grab đã có lãi.
Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee chấp nhận kinh doanh không doanh thu trong 3 năm đầu tiên từ 2016-2018 dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng. Đến tận đầu quý 2/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình. Thế nhưng từ năm 2020, Shopee đã bắt đầu giảm lỗ và đến năm 2022, sàn thương mại điện tử này đã hái "quả ngọt" khi doanh thu tăng trưởng phi mã lên gần 11.000 tỷ đồng, tăng 92.2% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, sau nhiều năm hoạt động không có lời, vào năm 2022, Shopee Việt Nam đã có mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng, giảm lỗ lũy kế xuống còn 4.500 tỷ đồng.
Tương tự với Shopee, Grab không ngần ngại "đốt tiền" vào khuyến mại, miễn phí vận chuyển để thu hút người tiêu dùng. Từ năm 2014 - 2019, tuy doanh thu tăng trưởng đều đặn nhưng lỗ của Grab cũng lớn dần qua mỗi năm. Tính đến hết năm 2019, Grab lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng.
Năm 2020, Grab lần đầu tiên ghi nhận có lãi với lợi nhuận sau thuế đạt 243 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu sụt giảm, Grab lại lỗ 301 tỷ vào năm 2021. Năm 2022, doanh thu Grab bứt phá, tăng 91% so với cùng kỳ lên 6. 384 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 329 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn giảm xuống còn hơn 4.000 tỷ.
Như vậy, sau thời gian "đốt tiền", Shopee, Grab coi như đã đạt được thành quả khi đã có lãi. Vậy nhưng cuộc chiến "đốt tiền" của Ví điện tử, dù đã đổ hàng chục nghìn tỷ vào vẫn chưa thấy ánh sáng. Doanh thu tuy tăng trưởng qua mỗi năm nhưng lỗ cũng càng ngày càng lớn theo.
Theo báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý I/2023 của Decision Lab phối hợp cùng Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam công bố, Momo là ví điện tử dẫn đầu về thị phần. Shopee cũng là doanh nghiệp ví điện tử đứng đầu về doanh thu với doanh thu năm 2022 lên đến 8.500 tỷ đồng. Doanh thu của Momo tăng trưởng liên tục mỗi năm, đi kèm với đó là lỗ cũng ngày càng lớn. Năm 2022, lỗ của Momo lên đến 1.150 tỷ đồng, là số lỗ lớn nhất từ trước đến nay.
Shopee Pay giai đoạn 2017-2019 đang có lãi nhưng kể từ năm 2020, Shopee Pay cũng chìm trong thua lỗ. Năm 2022, Shopee Pay có doanh thu 7.200 tỷ đồng và lỗ sau thuế 211 tỷ đồng. Năm lỗ lớn nhất của Shopee Pay là năm 2021 với mức lỗ 285 tỷ đồng.
VNPT Epay là doanh nghiệp hiếm hoi đã có lãi trong những năm gần đây, theo số liệu chúng tôi có được về lợi nhuận sau thuế của VNPT Epay, doanh nghiệp này đã có lãi trong năm 2020 với 3 tỷ đồng và năm 2021 với 10 tỷ đồng sau 2 năm 2018-2019 lỗ 8 tỷ đồng và 9 tỷ đồng.
Tuy doanh thu thấp hơn nhiều so với Momo nhưng lỗ sau thuế của Zalo Pay thậm chí trong năm 2021-2022 còn lớn hơn cả Momo. Năm 2022, Zalo Pay thu về doanh thu 550 tỷ nhưng lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. Năm 2023, Zalo Pay lỗ 721 tỷ đồng.
Moca và Movi cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi liên tục chình trong thua lỗ. Kể từ năm 2017 tới năm 2022, doanh thu của Moca nằm trong xu hướng tăng, đặc biệt doanh thu năm 2022 đạt tăng trưởng đột biến lên tới 500 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2021 và gấp 62,5 lần sau 5 năm. Nhưng công ty vẫn lỗ 40 tỷ đồng. Năm lỗ lớn nhất của Moca là năm 2021 với số lỗ lên đến 165 tỷ đồng.