Xã hội

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình

Tóm tắt:
  • Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải từng chia cắt đất nước, nay là biểu tượng khát vọng thống nhất và hòa bình.
  • Sau 1954, cầu và sông là chứng nhân lịch sử với nhiều câu chuyện bi thương, hào hùng.
  • Lễ hội thống nhất non sông được tổ chức hàng năm tại Hiền Lương - Bến Hải, gợi nhớ quá khứ và hòa bình.
  • Năm 2024, lễ hội "Vì hòa bình" lần đầu tiên diễn ra, lan tỏa thông điệp hòa bình ra thế giới.
  • Hiền Lương - Bến Hải trở thành biểu tượng hòa bình nhân loại và khát vọng phát triển tương lai.

Ngày nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, cây cầu ấy, dòng sông ấy là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, mang tầm nhân loại. Hiền Lương - Bến Hải là chứng nhân cho mỗi thời kỳ lịch sử…

VỀ MỘT QUÁ KHỨ BI THƯƠNG NHƯNG HÀO HÙNG

Sau năm 1954, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải ở Quảng Trị từng phải nhận một sứ mệnh cực kỳ đớn đau là điểm chia cắt 2 bờ Nam - Bắc. Mãi cho đến khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, dòng sông và cây cầu bé nhỏ nằm giữa đường thiên lý Bắc - Nam mới được "cởi trói"…

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 1.

Đá chủ quyền Trường Sa được tiếp nhận dưới chân kỳ đài dịp lễ hội thống nhất non sông năm 2011

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Hơn 20 năm đằng đẵng, với sứ mệnh lịch sử của mình, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải đã chứng kiến biết bao câu chuyện bi thương, hào hùng của cả dân tộc. Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến câu chuyện những người mẹ vá cờ và lá cờ Tổ quốc khổng lồ nơi bờ bắc giới tuyến thuộc "đất thép" Vĩnh Linh. Trong khu nhà trưng bày kỷ vật vĩ tuyến 17 hòa bình và khát vọng thống nhất (Quảng Trị), có một bức ảnh chụp 2 phụ nữ đang may vá cờ Tổ quốc. Đó là mẹ Ngô Thị Diệm và mẹ Trần Thị Viễn. Họ đã mải miết may lá cờ Tổ quốc, với kích thước lớn dần lên, sao cho cờ luôn luôn tung bay trên kỳ đài.

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 2.

Ngày hội đạp xe vì hòa bình năm 2024 do Báo Thanh Niên tổ chức được khai hội ở đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

ẢNH: THANH LỘC

Cũng ở đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ngày đấy, phía ta và địch đã có những "cuộc đấu" mang tính… biểu tượng. Đó là "cuộc chiến màu sơn cầu Hiền Lương" rằng nên sơn 1 màu hay 2 màu, "cuộc chiến âm thanh" xem loa tuyên truyền ai vang xa hơn, "cuộc chiến cột cờ, lá cờ" xem ai cao hơn, to hơn... Hay chỉ đơn giản là những trận thi vật, đấu bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng rồi những "trận chiến" khó gọi tên như đánh đố nhau bằng những câu hỏi về nội dung một cuốn tiểu thuyết hoặc bất kỳ điều gì.

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 3.

Tiếp nhận nước lấy từ đầu nguồn suối Lê Nin (Cao Bằng) và sông Hậu (Hậu Giang) để hòa cùng dòng Bến Hải vào lễ hội thống nhất non sông năm 2010

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Nhiều người từng sống trong thời khắc đó bảo rằng, đó là những năm tháng của cuộc chiến không tiếng súng, đó là trí tuệ, sức mạnh và lòng dũng cảm.

Nhưng giờ tất cả đã qua, đất nước hòa bình vẹn toàn 50 năm, sự thù địch đó không còn và sự hòa hợp dân tộc lên ngôi. Hiền Lương - Bến Hải đã, đang bắt đầu những sứ mệnh khác.

KHI THỐNG NHẤT NON SÔNG LÀ MỘT LỄ HỘI

Không phải vô cớ mà ở Quảng Trị có một lễ hội mang tên lễ hội thống nhất non sông thường niên vào dịp 30.4 - 1.5 và chỉ lựa chọn địa điểm duy nhất để tổ chức là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Địa phương này đã hết sức tinh tế khi lồng ghép lễ hội vào trong một vị trí, một câu chuyện lịch sử mà người ta mãi không quên.

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 4.

Cầu Hiền Lương (phía bờ bắc) sau ngày hòa bình lập lại năm 1954

ẢNH: T.L

Nếu một lần đứng dưới kỳ đài chứng kiến lễ thượng cờ thống nhất non sông, tôi tin rằng bạn sẽ có cảm xúc. Bất kể người Việt Nam nào cũng vậy. Khi ngọn cờ từ từ được kéo lên kỳ đài, một điều gì đó vừa tự hào, vừa xúc động sẽ chạy từ mọi mạch máu đổ vào tim và trí não. Bởi ngọn cờ này là niềm kiêu hãnh của cả một dân tộc, là biểu tượng cho niềm tin, ý chí của toàn dân Việt Nam.

Từ năm 2010 trở lại đây, phần lễ của lễ hội thống nhất non sông luôn có những hoạt động mang tính biểu tượng. Có năm, ban tổ chức mang 2 bầu nước lấy từ đầu nguồn suối Lê Nin (Cao Bằng) và sông Hậu (Hậu Giang) đến đây để hòa cùng dòng Bến Hải. Có năm, đá chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa cũng được Bộ Tư lệnh Hải quân đưa từ đảo xa về đây "họp mặt". Có năm, 63 chàng trai, cô gái đại diện cho 63 tỉnh, thành chạy từ phía bắc cầu sang phía nam cầu Hiền Lương, thể hiện lại khát khao thống nhất ngày ấy.

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 5.

Một góc đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nhìn từ trên cao

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Và cũng nơi này thường xuyên diễn ra giải đua thuyền truyền thống lễ hội thống nhất non sông với sự tham gia của 15 đội đua đến từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và những hội trại quy mô dành cho các bạn trẻ. Ban đêm, trong khi cầu Hiền Lương rực sáng với ánh đèn thì dưới sông Bến Hải là những chiếc đèn hoa đăng dập dềnh trên sóng nước, trên bầu trời thì rực sáng pháo hoa.

Đắm mình vào lễ hội thống nhất non sông, người dân sẽ được nhắc nhớ về một quá khứ hào hùng của dân tộc và càng hiểu về giá trị hòa bình được tận hưởng hôm nay.

BIỂU TƯỢNG HÒA BÌNH CỦA NHÂN LOẠI

Năm 2024, một lễ hội hết sức đặc biệt mang tên "Vì hòa bình" lần đầu tiên được tổ chức ở đất thiêng Quảng Trị. Tâm điểm của lễ hội vẫn là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi diễn ra lễ khai mạc (lễ hội không có bế mạc), chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình", lễ hội thống nhất non sông, cuộc đua thuyền truyền thống…

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 6.

Lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên tổ chức được khai mạc ở đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, năm 2024

ẢNH: THANH LỘC

Mở màn cho lễ hội là Ngày hội đạp xe vì hòa bình do Báo Thanh Niên tổ chức, chọn đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để tổ chức khai mạc, cũng là nơi xuất phát của những vòng xe vào sáng 29.6.2024. Phát biểu dưới chân kỳ đài, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ: "Ai cũng biết Quảng Trị là mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc nên Ngày hội đạp xe vì hòa bình là một sự kiện thể dục thể thao, nhưng theo chúng tôi ngày hội có giá trị cao hơn một cuộc đua. Bởi ở đây, chúng tôi còn muốn tôn vinh những giá trị hòa bình mà chỉ khi đến với vùng đất Quảng Trị, người ta mới cảm nhận được".

Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, "kiến trúc sư trưởng" của lễ hội Vì hòa bình, cho rằng slogan của lễ hội là "Mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị". Nhưng hơn thế, chính quyền và người dân địa phương còn mong muốn thông qua lễ hội sẽ góp phần lan tỏa thông điệp hòa bình của dân tộc Việt Nam từ Quảng Trị ra thế giới.

"Ai muốn chiến tranh, ai còn muốn đánh nhau thì hãy một lần đến Quảng Trị, để nhìn thấy những "di sản" của chiến tranh để lại, để cảm nhận được mất mát, đau thương để rồi không một ai muốn cầm súng chĩa vào đồng loại nữa. Biết đâu một ngày nào đó, người ta sẽ chọn Quảng Trị để làm nơi ký kết về hiệp định hòa bình cho những đất nước nào đó đang còn có xung đột, chiến tranh", ông Nam nói.

Lễ hội kéo dài 1 tháng và dù được tổ chức lần đầu tiên nhưng đã là "bữa tiệc ngon" về nghệ thuật, thể thao, ẩm thực…, mời công chúng đến thưởng thức. Đặc biệt, chương trình khai mạc lễ hội được xây dựng công phu, hòa quyện truyền thống với hiện đại, hội nhập đã tạo được điểm nhấn, tạo hiệu ứng tốt cho toàn bộ lễ hội, có dấu ấn rất khác biệt, nổi bật, lôi cuốn với nhiều điểm chạm cảm xúc. Khi chuông hòa bình ghép từ những chiếc drone ánh sáng đặt ở Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được gióng lên, khi đội hình drone biến đổi từ chuông hòa bình thành hình tượng chim bồ câu tung cánh, cũng là thời khắc lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất năm 2024 chính thức khai mạc.

Đêm 6.7.2024, tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, phát biểu tại đêm khai mạc lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên được tổ chức theo quy mô quốc gia, hướng tầm quốc tế, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng nhấn mạnh rằng: "Việc tổ chức lễ hội Vì hòa bình thành công sẽ góp phần làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định đó là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam".

Trong khi đó, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, gửi đến lễ hội thông điệp thông qua clip ngắn. "Sự thống nhất của Việt Nam đã đánh dấu sự khởi đầu trong một con đường dài hướng tới sự hòa giải. Các bạn đã và đang đạt được những điều không thể: Chữa lành những vết thương trong quá khứ, xây dựng một đất nước hướng tới tương lai. Bởi lẽ hòa bình không chỉ là một vấn đề của các thỏa thuận chính trị, nó dựa trên ký ức được phát triển và chia sẻ thông qua cuộc đối thoại; nó dựa trên một khát khao thực sự vì hòa bình, thịnh vượng", bà Audrey Azoulay nhấn mạnh. Bà cũng hy vọng hòa bình nhân loại sẽ tiếp tục phát triển, như đang diễn ra tại Quảng Trị.

Chứng nhân Hiền Lương - Bến Hải: Từ biểu tượng thống nhất đến khát vọng hòa bình- Ảnh 7.

Hiền Lương - Bến Hải sẽ là nơi viết tiếp những câu chuyện về khát vọng hòa bình

ẢNH: THANH LỘC

Ở Quảng Trị, cùng với 2 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9; Thành cổ Quảng Trị; Địa đạo Vịnh Mốc…, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có một vị trí vững chãi như được tạc vào đá núi lịch sử dân tộc, của nhân loại.

Sau 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải và đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải chắc chắn cũng sẽ là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, khát vọng đổi thay, phát triển cho tương lai. Đó là điều không thể khác.

Các tin khác

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.

Lý do tái định cư Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm

Trong khi người dân "khan" nhà ở, nhiều dự án nghìn tỷ phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Hà Nội xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, chủ đầu tư lao đao.

Giá vàng rơi thẳng đứng

Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch Mỹ ngày 1.5, nâng tổng mức giảm trong ngày lên 84 USD/ounce, tương ứng mức mất giá mạnh nhất lên 2,6%.

Vụ nổ súng ở Vĩnh Long: Nguyên Trưởng Công an huyện khẳng định không có quan hệ với tài xế xe tải

Thượng tá Nguyễn Hoàng Văn, nguyên Trưởng Công an huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) khẳng định, không có quan hệ hay quen biết gì với tài xế xe tải trong vụ tai nạn giao thông làm con gái ông Phúc (người gây ra vụ nổ súng) tử vong và không có chỉ đạo nào như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Đổi mới 2.0, tư duy kiến tạo và khát vọng vươn mình

Một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và văn minh không còn là giấc mơ xa vời, mà là một đích đến hoàn toàn khả dĩ - nếu chúng ta tiếp tục đổi mới, dám nghĩ lớn, hành động quyết liệt và cùng nhau đồng lòng hướng tới tương lai.

Bà con hưởng lợi từ những “ngôi sao nhỏ”

Trong khi các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gặp khó trong việc mở rộng thị trường thì nhiều "ngôi sao nhỏ" mới đã xuất hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.