Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/4 cho thấy nguyên nhân chính khiến GDP Mỹ quý I tăng trưởng âm đến từ làn sóng nhập khẩu tăng vọt, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng tranh thủ mua hàng trước khi chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.
Nhập khẩu quý I tăng tới 41,3%, riêng hàng hóa tăng 50,9% - mức cao nhất ngoài thời kỳ đại dịch kể từ năm 1974. Do nhập khẩu bị tính trừ trong GDP, con số này khiến tăng trưởng giảm hơn 5 điểm phần trăm. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 1,8%.
Chi tiêu tiêu dùng tăng 1,8%, mức thấp nhất kể từ quý II/2023, và chi tiêu liên bang giảm 5,1% cũng kéo GDP đi xuống. Dù vậy, đầu tư tư nhân tăng mạnh 21,9%, chủ yếu nhờ chi tiêu cho thiết bị tăng 22,5%, có thể cũng do lo ngại thuế quan.

Ông Trump khẳng định chính sách thuế quan sẽ sớm mang lại kết quả tích cực (Ảnh: Reuters).
Trước diễn biến này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan của mình, đồng thời quy trách nhiệm cho người tiền nhiệm. "Đây là thị trường của ông Biden, không phải của tôi. Tôi mới tiếp quản từ ngày 20/1", ông Trump viết trên một mạng xã hội, theo CNBC.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế quan sẽ sớm phát huy hiệu quả khi nhiều doanh nghiệp đang đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc trở lại, nhưng trước hết phải loại bỏ "gánh nặng Biden". Điều đó cần thời gian và không liên quan đến thuế quan. Khi đà phục hồi bắt đầu, nó sẽ chưa từng có tiền lệ, ông Trump viết.
Số liệu được công bố trùng với thời điểm ông Trump đánh dấu 100 ngày đầu nhậm chức. Nhiều dự báo cho rằng số liệu lần này sẽ tiếp tục làm suy giảm mức tín nhiệm của ông trong lĩnh vực điều hành kinh tế, trong bối cảnh tâm lý bi quan lan rộng trong cả giới doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Một số nhà kinh tế cho rằng không nên quá lo ngại về mức tăng trưởng GDP quý I, do phần lớn mức tăng nhập khẩu xuất phát từ vàng - mặt hàng không phản ánh rõ ràng sức khỏe nền kinh tế.
Một số chuyên gia khác nhận định báo cáo GDP quý I vẫn phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn do bất ổn liên quan đến chính sách thuế.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy niềm tin tiêu dùng trong tháng 3 đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Niềm tin kinh doanh cũng suy giảm. Nhiều hãng hàng không đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2025, viện dẫn khả năng người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu cho các chuyến bay không thiết yếu do tác động từ thuế nhập khẩu.
Trước đó, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng thuế nhập khẩu có thể làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.
Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng trong quý I, với chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) tăng 3,6%, so với 2,4% của quý trước đó. Dù áp lực giá gia tăng, thị trường vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành hạ lãi suất trong thời gian tới.
Báo cáo GDP lần này được công bố ngay trước cuộc họp chính sách quan trọng của Fed diễn ra vào tuần tới. Dù tăng trưởng âm có thể tạo áp lực để Fed hạ lãi suất, lạm phát vẫn là yếu tố khiến cơ quan này thận trọng.
Các nhà đầu tư hiện vẫn đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm nay, dấu hiệu cho thấy ưu tiên đang nghiêng về hỗ trợ tăng trưởng hơn là kiểm soát giá cả.