Xã hội

Chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh sau sáp nhập đơn vị hành chính

Tóm tắt:
  • Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng chỉ định lãnh đạo HĐND, UBND sau sắp xếp hành chính.
  • Quy định mới kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ 1/7/2025.
  • Chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND phù hợp đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ với quyền hạn rõ ràng theo phân định.
  • Đại biểu HĐND được quyền chất vấn và kiến nghị với các lãnh đạo UBND và cơ quan địa phương.
  • Sau sắp xếp, không bầu cử lãnh đạo mà các chức danh do cấp có thẩm quyền chỉ định, có thể không phải đại biểu HĐND.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được công bố để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, tại điều 110 quy định: Các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Chỉ định chủ tịch , phó chủ tịch tỉnh sau sáp nhập đơn vị hành chính mới - Ảnh 1.

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 1/7

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111 theo hướng: Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 112 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp.

Đối với khoản 1 Điều 114, được dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng: UBND do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Lần sửa đổi này cũng được đề xuất theo hướng: Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND.

Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.

Thủ tướng chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh

Về thời gian, dự thảo nêu rõ, nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Dự thảo cũng nêu rõ, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp;

Đồng thời không bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp;

Thủ tướng Chính phủ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp;

Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp;

Thường trực HĐND cấp xã chỉ định ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Các tin khác

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Viêm áp xe mũi sau nặn mụn

Anh Tùng, 24 tuổi, tự nặn mụn ở mũi và uống thuốc kháng sinh, ít hôm sau mũi sưng to, đau nhức, bác sĩ chẩn đoán bị áp xe phải rạch dẫn lưu mủ.

"Cần cơ chế, chính sách kiểm soát biến động giá đất"

Tại Nghị quyết số 68, Bộ Chính trị đã yêu cầu cần có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ.

Grab ưa chuộng tài năng xuất thân từ Unilever cho vị trí Giám đốc điều hành ở Việt Nam

Không biết vô tình hay cố ý, mà 2 Giám đốc điều hành người Việt gần nhất được Grab chọn cho thị trường Việt Nam đều xuất thân từ marketing và là người cũ của Unilever. Khác biệt lớn nhất: bà Hải Vân nhảy thẳng từ Unilever sang Grab, trong khi tân nhiệm Mã Tuấn Trọng có 7 năm thử thách ở Grab Việt Nam.

Chuyên gia nước ngoài nói về việc mua bán, sáp nhập ngân hàng Việt Nam

GS. John Quelch - Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch và Giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS) cho biết: “Chúng tôi cũng muốn thấy nhiều hơn hoạt động mua bán và hợp nhất. Nếu hệ thống ngân hàng muốn duy trì được sức khỏe cần có thêm đầu tư nước ngoài, thêm cơ hội cho việc mua bán, sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô đủ lớn”.